Đột quỵ não (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) là căn bệnh phổ biến trong cộng đồng, dẫn đến nguy cơ tử vong cao, chỉ đứng sau bệnh tim mạch và ung thư. Hơn nữa, những người thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” sau đột quỵ lại phải đối mặt với nguy cơ bị tàn phế cao, khó phục hồi các chức năng của cơ thể.

Cao huyết áp nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ não

Theo thống kê, cứ 45 giây trôi qua trên thế giới có ít nhất một người bị đột quỵ não và cứ 3 phút trôi qua trên thế giới có 1 người tử vong do căn bệnh này.

Ở Việt Nam, mỗi năm có đến 200.000 người mắc bệnh đột quỵ não và có khoảng 100.000 người tử vong. Một nửa trong số đó phải đối mặt với những di chứng nặng nề sau đột quỵ. Vậy, nguyên nhân nào khiến số lượng người mắc bệnh cũng như tử vong vì bệnh ngày càng tăng cao?

Huyết áp cao là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra đột quỵ. Các nhà y học đã coi tăng huyết áp như kẻ giết người thầm lặng. Ở người tăng huyết áp, nguy cơ bệnh tăng lên gấp 3 hoặc 4 lần so với người bình thường. Cả huyết áp tâm thu và tâm trương đều quan trọng như nhau và đều là nguy cơ gây đột quỵ này. THA là nguyên nhân gây đột quỵ quan trọng nhất và ta có thể điều chỉnh được. Duy trì huyết áp ở mức độ bình thường là yếu tố quan trọng trong việc ngăn ngừa đột quỵ. Vì thế, mỗi người cần theo dõi huyết áp đều đặn, đo ít nhất hai lần mỗi năm. Nhiều người không biết huyết áp mình cao vì bệnh thường không có triệu chứng. Kiểm soát trị số huyết áp và khống chế huyết áp để đạt được trị số huyết áp mục tiêu. Nguyên tắc sử dụng thuốc hạ áp là nên bắt đầu với một thuốc liều thấp hoặc phối hợp các nhóm thuốc với liều thấp để vừa đạt được hiệu quả điều trị vừa làm giảm tác dụng phụ. Huyết áp nên duy trì dưới 120/80mmHg. Trên mức này đã được coi như tiền tăng huyết áp và cần được theo dõi. Trên mức 140/90 là tăng huyết áp. Dùng thuốc hạ huyết áp theo hướng dẫn của bác sĩ, đừng bỏ sót một ngày nào dù thấy khỏe mạnh và cả khi huyết áp đã trở về trong giới hạn bình thường. Nếu cho rằng có thể giảm liều lượng thuốc thì hãy hỏi ý kiến bác sĩ.

Xơ vữa động mạch

Những mảng xơ vữa trong thành động mạch chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ não. Mảng xơ vữa động mạch xuất hiện do lối sống thiếu khoa học, chế độ ăn dư thừa dinh dưỡng và ít vận động khiến tăng nồng độ cholesterol xấu và chất béo trong máu tăng cao. Khi thành động mạch bị tổn thương, chất béo, cholesterol xấu ... tích tụ ở thành động mạch ngày 1 dày lên khiến đường kính động mạch nhỏ lại và lưu lượng máu giảm dần. Những mảng xơ vữa ngày càng lớn sẽ khiến máu dồn ứ lại, đóng thành cục máu đông gây tắc mạch tại chỗ.

Do đó, để giảm các mảng xơ vữa động mạch, giúp giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ não, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh nên thay đổi chế độ ăn uống, tập luyện và có lối sống lành mạnh hơn. Việc thay đổi này nhằm giảm nồng độ cholesterol xấu trong máu – một nguyên nhân chủ yếu của xơ vữa động mạch.

Nhằm hạn chế những mảng xơ vữa động mạch – một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ não, bệnh nhân cần thay đổi lối sống, năng vận động, có chế độ ăn hợp lý theo chỉ định của bác sĩ.

Bệnh tim mạch

Khi mắc các bệnh về tim (loạn nhịp, rung nhĩ…) hoặc van tim bị hẹp, làm máu không lưu thông tốt, phần máu ứ đọng đóng lại thành cục máu đông trong tim. Các mảnh của cục máu này có thể vỡ ra trôi theo dòng máu lên não sẽ mắc kẹt lại tại đó làm tắc nghẽn mạch máu não gây nên đột quỵ não.

Đây là hiện tượng xảy ra khi các mạch máu vận chuyển máu đến não bị vỡ, máu không được vận chuyển tới nuôi não mà chảy tràn làm chèn ép não, những tác động này sẽ khiến cơn đột quỵ xuất hiện.

Ngoài những nguyên nhân trên, việc dị dạng mạch máu não, thoái hóa mạch máu não, u não… cũng là nguyên nhân dẫn tới căn bệnh này.