Mới đây, một cậu thiếu niên người Anh tên Aidan Jackson bị đột quỵ khi chơi game. Cơn đột quỵ khiến cậu lên cơn co giật, hôn mê. Rất may là được một người bạn trong game kịp thời “giải cứu” từ Mỹ, Aidan Jackson đã vượt qua cơn nguy kịch. Hãy cùng theo dõi câu chuyện đầy kịch tính này để hiểu thêm về bệnh đột quỵ nhé!

Bị đột quỵ khi chơi game, cậu thiếu niên may mắn được cứu sống

Đây là câu chuyện xảy ra với cậu thiếu niên 17 tuổi Aidan Jackson, sống tại Widnes (Anh). Khi đang chơi game trong phòng, Aidan bất ngờ lên cơn co giật và hôn mê. Ngay lập tức, người đồng đội trong game của cậu, Dia Lathora, một cô gái 20 tuổi sống tại Texas (Mỹ) đã nhận ra những dấu hiệu bất thường và gọi điện cho lực lượng cảnh sát Anh để tìm kiếm trợ giúp. 

Có thể nói, chính cuộc điện thoại cách nhau hơn 8.000 km này đã cứu Aidan thoát khỏi bàn tay tử thần. Chỉ vài phút sau, xe cứu thương đã tới nhà Aidan trước sự ngỡ ngàng của bố mẹ cậu. Bà Caroline Jackson, mẹ của Aidan chia sẻ: “Chúng tôi đang xem ti vi ở dưới tầng 1, còn Aidan thì ở trên phòng. Khi lực lượng chức năng đến, chúng tôi còn tưởng họ chỉ đang làm nhiệm vụ gì đó quanh khu vực thôi. Tuy nhiên, họ lại đến nói với chúng tôi rằng, họ nhận được một cuộc gọi từ Mỹ thông báo có người bị đột quỵ trong căn hộ này. Nghe vậy, tôi lập tức lên phòng Aidan để kiểm tra thì thấy thằng bé đã nằm gục, toàn thân co giật không nhận thức được gì”.

Trước đó, hồi tháng 5/2019, Aidan cũng đã bị đột quỵ, sức khỏe của cậu không ở trong trạng thái tốt. Rất may là trong lần tái phát này, điều tồi tệ nhất đã không xảy ra.

Mẹ Aidan cho biết: “Thật khủng khiếp khi nghĩ đến viễn cảnh chúng tôi ngồi ngay dưới nhà nhưng lại chẳng hề biết gì về mối nguy hiểm mà con trai mình đang phải đối mặt. Chúng tôi rất biết ơn Dia. Cô bé có địa chỉ nhà của chúng tôi, nhưng lại sống tận bên Mỹ. Thật tuyệt vời khi Dia vẫn có thể nghĩ ra cách để giúp đỡ con trai tôi dù ở xa đến như vậy. Tôi đã trực tiếp gửi lời cảm ơn đến cô bé, và Dia cũng rất vui khi có thể giúp đỡ chúng tôi. Hiện tại, Aidan đã ổn định hơn rất nhiều rồi”.

Về phần Dia Lathora, cô cũng tỏ ra nhẹ nhõm khi có thể kịp thời cứu mạng người đồng đội trong game của mình: “Lúc đó, tôi đang đeo tai nghe và thấy những âm thanh giống như ai đó đang lên cơn co giật vậy. Tôi hỏi Aidan xem cậu ấy có ổn không, nhưng không ai trả lời. Bởi vậy, tôi liền tra cứu những số điện thoại khẩn cấp bên Châu Âu để tìm sự trợ giúp”.

Xem thêm: Muốn nhanh chóng phục hồi chức năng sau đột quỵ, chỉ cần làm điều này 3 lần mỗi tuần

Đột quỵ nguy hiểm như thế nào?

Đột quỵ (hay còn gọi tai biến mạch máu não) là tình trạng một vùng não bị tổn thương do dòng máu lên não đột ngột ngưng trệ, khiến các tế bào não bị tổn thương, ảnh hưởng đến các chức năng trên cơ thể. 

Đột quỵ được chia thành 2 loại: Nhồi máu não và xuất huyết não. Nhồi máu não chiếm hơn 80%, xảy ra khi có cục máu đông làm tắc mạch máu, ngăn cản máu lưu thông lên não. Xuất huyết não chiếm gần 20%, xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ, máu tràn ra và làm tổn thương các mô não xung quanh.

Dù là loại nào thì đột quỵ cũng vô cùng nguy hiểm bởi nó có thể gây tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề. Theo thống kê, trên thế giới cứ 3 phút lại có 1 người tử vong vì đột quỵ. Trong số những người may mắn sống sót, có tới 30% bệnh nhân phải gánh chịu các di chứng nghiêm trọng như: Liệt nửa người, méo miệng, mất thị lực, suy giảm trí nhớ,... Những di chứng này khiến người bệnh khó có thể sinh hoạt độc lập như người bình thường mà phải trông chờ vào sự giúp đỡ của người thân.

Hậu quả của đột quỵ nặng hay nhẹ, ít hay nhiều phụ thuộc vào vùng não bị tổn thương và thời gian cấp cứu. Chính vì vậy, người bệnh cần được phát hiện sớm để cấp cứu kịp thời. Trường hợp của cậu thiếu niên Aidan ở trên là một ví dụ tiêu biểu. 

Xem thêm: Nguyên nhân gây đột quỵ là gì?

Cần làm gì để phòng ngừa đột quỵ?

Câu chuyện của cậu Aidan phía trên cho thấy, đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai, dù là những người trẻ, đang ở độ tuổi “bẻ gãy sừng trâu”. Do vậy, tất cả mọi người đều cần nâng cao ý thức phòng bệnh. Để thực hiện được mục tiêu này, các chuyên gia khuyên chúng ta nên thực hiện một số việc sau:

Điều trị các bệnh lý nguy cơ

Những bệnh về tim và mạch máu như: Cao huyết áp, rung nhĩ, tiểu đường,… là yếu tố quan trọng làm tăng nguy cơ đột quỵ. Bên cạnh đó, người đã từng bị đột quỵ cần đề cao cảnh giác vì đây là bệnh có tỷ lệ tái phát cao. Như trường hợp của Aidan, cơn đột quỵ tái phát chỉ sau nửa năm cậu mắc bệnh. 

Tránh xa khói thuốc lá

Khói thuốc lá có thể làm giảm oxy trong máu, cản trở sự lưu thông máu giữa não và các cơ quan trên cơ thể. Đồng thời, chất nicotine trong thuốc lá còn kích thích động mạch, tạo điều kiện cho mảng xơ vữa tích tụ và thu hẹp lòng mạch. Không những thế, khi mảng xơ vữa bong ra, chúng có thể kết hợp với tiểu cầu tạo thành những cục máu đông làm tắc mạch máu não. 

Giảm muối trong chế độ ăn hàng ngày

Muối làm tăng huyết áp, khiến các mạch máu suy yếu. Trong khi đó, cao huyết áp là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh đột quỵ. Theo một báo cáo tại Mỹ, những người tiêu thụ hơn 4.000mg muối mỗi ngày có nguy cơ đột quỵ nhồi máu não cao gấp đôi so với người tiêu thụ lượng muối ít hơn. Chính vì vậy, bạn hãy lưu ý giảm muối trong chế độ ăn hàng ngày.

Tập thể dục

Việc tập thể dục sẽ giúp tăng cường sức khỏe tổng thể và đây cũng là cách hiệu quả để làm giảm nguy cơ đột quỵ. Các chuyên gia cho rằng, ngay cả khi cơn đột quỵ đã khởi phát, di chứng sau đột quỵ của những người thường xuyên luyện tập cũng ít nghiêm trọng và khả năng phục hồi tốt hơn so với đối tượng lười vận động.

Tránh lo lắng, trầm cảm

Những người bị trầm cảm hoặc hay lo lắng thường có xu hướng sống thiếu lành mạnh như: Ăn uống không khoa học, hút thuốc, uống rượu và lười vận động, tất cả những điều này đều là yếu tố nguy cơ của đột quỵ. Một nghiên cứu được tiến hành tại Mỹ đã chỉ ra rằng, những người bị trầm cảm có nguy cơ đột quỵ cao hơn tới 45% so với người bình thường. 

Xem thêm: Tầm soát đột quỵ định kỳ để phòng ngừa chứng bệnh khiến hơn 100.000 người Việt tử vong mỗi năm