Một người đàn ông 52 tuổi ở Mỹ bất ngờ bị đột quỵ và ngã khuỵu ra sàn. May mắn nhờ có người bạn gái nhận ra các dấu hiệu của đột quỵ nên ông đã được đưa tới bệnh viện để cấp cứu kịp thời và hiện đang phục hồi chức năng rất tích cực. Hãy cùng theo dõi câu chuyện này đồng thời tìm hiểu về các dấu hiệu của đột quỵ trong bài viết dưới đây!

Đột quỵ là gì?

Đột quỵ (hay tai biến mạch máu não) là tình trạng xảy ra khi việc cung cấp máu lên một phần của bộ não đột ngột ngưng trệ do tắc hoặc vỡ mạch máu não. Khi đó, các tế bào não không được cung cấp máu kịp thời sẽ bị tổn thương và dần hoại tử, dẫn đến sự gián đoạn hoặc sai lệch các chức năng cơ thể. Nếu không được điều trị kịp thời, người bị đột quỵ có thể phải chịu những di chứng nặng nề như: Liệt nửa người, mất ngôn ngữ, mất thị lực,… hoặc thậm chí tử vong.

Đột quỵ được chia thành 2 thể:

Đột quỵ thiếu máu não cục bộ: Khi các cục máu đông hình thành và di chuyển, đến nơi mạch máu nhỏ hẹp, nó kẹt lại, ngăn chặn sự lưu thông máu lên tế bào não, gây ra đột quỵ thiếu máu não cục bộ. 

Đột quỵ xuất huyết não: Nếu một mạch máu trong não bị vỡ, chúng sẽ tràn ra và gây thương tổn cho các tế bào não. Tình trạng này chỉ chiếm số ít (khoảng 15% tổng số ca đột quỵ) nhưng mức độ nguy hiểm lại cao hơn hẳn so với đột quỵ thiếu máu não cục bộ.

Xem thêm: Đột quỵ tiểu não nguy hiểm như thế nào?

Nguyên nhân gây đột quỵ là do đâu?

Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây đột quỵ có thể được chia thành 2 nhóm: Nhóm yếu tố sinh lý và nhóm bệnh lý.

Nhóm yếu tố sinh lý: Nhóm này bao gồm: Tuổi tác, giới tính, chủng tộc, tiền sử gia đình. Cụ thể:

- Tuổi tác: Nguy cơ đột quỵ tăng dần theo độ tuổi và cao hơn hẳn kể từ khi một người bước sang tuổi 50. Chính vì vậy, đột quỵ thường được coi là bệnh của người già. 

- Giới tính: Nam giới bị đột quỵ nhiều hơn nữ giới. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong do đột quỵ ở nữ giới cao hơn nam.

- Tiền sử gia đình: Ai có người thân trong gia đình từng bị đột quỵ thì nguy cơ mắc bệnh này cũng cao hơn.

- Chủng tộc: Người da đen có nguy cơ đột quỵ cao hơn người da trắng.

Nhóm yếu tố bệnh lý: Nhóm này bao gồm các bệnh như: Huyết áp cao, bệnh tim, mỡ máu, tiểu đường,… Cụ thể:

- Huyết áp cao: Khi áp lực máu lên thành mạch tăng cao, động mạch bị tổn thương, dễ dẫn đến sự hình thành các cục máu đông và làm tắc mạch máu. 

- Tiểu đường: Các chuyên gia cho biết, những người bị tiểu đường có nguy cơ đột quỵ cao hơn nhiều lần so với người bình thường. 

- Bệnh tim mạch: Người mắc các bệnh lý tim mạch thì máu lưu thông kém, dễ hình thành cục máu đông gây đột quỵ.

Xem thêm: Muốn nhanh chóng phục hồi chức năng sau đột quỵ, chỉ cần làm điều này 3 lần mỗi tuần

Công thức nhận biết dấu hiệu của đột quỵ

Việc phát hiện sớm các dấu hiệu của đột quỵ sẽ giúp bạn xử trí kịp thời và nâng cao hiệu quả điều trị. Mời bạn cùng lắng nghe chuyên gia Nguyễn Văn Quýnh tư vấn cách nhận biết sớm dấu hiệu của đột quỵ trong video sau:

Các dấu hiệu của đột quỵ đã được giới chuyên gia tổng hợp lại và đơn giản hóa bằng công thức BE FAST (hãy nhanh chóng) vô cùng dễ nhớ. Cụ thể như sau: 

- Balance (thăng bằng): Người bệnh đột nhiên bị mất thăng bằng, có thể ngã khuỵu xuống.

- Eyes (mắt): Một hoặc cả hai bên mắt đột ngột bị mờ hoặc không nhìn thấy gì.

- Face (khuôn mặt): Một bên mặt xệ xuống, mất cân xứng rõ rệt. 

- Arm (cánh tay): Một cánh tay mất lực và thõng xuống, không thể giơ lên cao.

- Speech (lời nói): Bệnh nhân đột nhiên ú ớ, khó nói, nói không rõ lời, nói khó hiểu và không hiểu lời người khác nói. 

- Time (thời gian): Nếu một người có các dấu hiệu trên, khả năng bị đột quỵ là rất cao, cần nhanh chóng đưa tới trung tâm y tế gần nhất. 

Trên đây là công thức nhận biết dấu hiệu của đột quỵ một cách đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, người ta rút gọn thành công thức FAST chỉ gồm 4 vế sau. Trên thực tế thì công thức FAST được nhiều người biết đến hơn “phiên bản” đầy đủ của nó là BE FAST.

Xem thêm: Bệnh đột quỵ và cách phòng tránh hiệu quả

Câu chuyện của người đàn ông may mắn sống sót sau đột quỵ

John Fremow là một người đàn ông 52 tuổi, hiện đang sinh sống tại Norton Brownsboro (Mỹ). Ông từng phục vụ trong Lực lượng Vệ binh Quốc gia Hoa Kỳ, sau đó trở thành nhân viên Cục Sửa chữa Metro và khi về hưu thì ông làm bảo vệ tại bệnh viện Norton Brownsboro.

Một buổi tối tháng 3/2019, khi đang xem phim với bạn gái thì John Fremow đột nhiên cảm thấy chóng mặt, bị khó nói, những câu từ của ông dần rời rạc và ú ớ. Sau đó, ông bị ngã và không thể đứng dậy: “Tôi cảm thấy như mình bị đánh bởi 1 tấn gạch vậy!” – ông John nhớ lại.

Khi nhìn thấy những biểu hiện này, bạn gái John ngay lập tức nhận ra đó là dấu hiệu của một cơn đột quỵ nên nhanh chóng gọi cấp cứu. Và những gì bạn gái của ông John phán đoán là hoàn toàn đúng. Sau khi cấp cứu, các bác sĩ của bệnh viện Norton Brownsboro đã giải thích rằng, ông John có một cục máu đông trong não và đây chính là tác nhân gây nên cơn đột quỵ. Họ đã tiến hành phẫu thuật đặt stent để loại bỏ cục máu đông này.

Bác sĩ chính của ca phẫu thuật – Tiến sĩ Yao cho biết: “Một khi các tế bào não đã hoại tử thì chúng không thể phục hồi trọn vẹn. Chính vì vậy, chúng ta phải nhanh chóng xử trí đột quỵ. Thật may vì John đã được đưa tới đây kịp thời. Nhờ đó mà ông ta đang phục hồi rất tốt!”.

Xem thêm: 12 cách phòng ngừa đột quỵ đơn giản bạn có thể thực hiện mỗi ngày