Chào bác Quang!
Trước hết, xin chia sẻ với bác Quang về tình trạng mà bác đang gặp phải và cũng cảm ơn bác đã tin tưởng gửi câu hỏi về cho chúng tôi.
Bệnh tai biến mạch máu não mà bác Quang gặp phải là tình trạng tổn thương não do mạch máu não đột ngột bị tắc hoặc vỡ. Bệnh có thể gây ra rất nhiều di chứng, trong đó liệt nửa người là di chứng nặng nề và phổ biến nhất. Chuyên gia xin cung cấp cho bác một số vấn đề về việc cải thiện di chứng tai biến liệt nửa người ngay sau đây:
Các phương pháp điều trị tai biến liệt nửa người hiện nay
Hiện nay, theo tây y, phương pháp điều trị cho người bị liệt nửa người sau tai biến mạch máu não bao gồm dùng thuốc và vật lý trị liệu.
Dùng thuốc
Các loại thuốc được chỉ định cho bệnh nhân tai biến mạch máu não nói chung, bệnh nhân bị liệt nửa người nói riêng thường gồm: Thuốc kháng đông, thuốc điều chỉnh huyết áp, giảm cholesterol, thuốc giãn cơ,… nhằm bảo vệ não, tránh cho những di chứng này tiến triển nặng nề hơn.
Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu giúp phục hồi chức năng của các cơ bị tổn thương, tùy vào thể liệt nửa người mà các chuyên gia sẽ quyết định phương pháp trị liệu phù hợp với bác. Cụ thể:
- Chữa liệt nửa người ở thể mềm: Nếu bị liệt ở thể này, các cơ bị liệt còn mềm, bác sẽ được hướng dẫn trị liệu làm mềm những khớp xương: Vai, khuỷu, cổ tay, ngón tay, háng, gối, ngón chân… với các bài tập gấp, duỗi, đóng, mở khớp.
- Chữa liệt nửa người ở thể cứng: Đây là trường hợp nặng và điều trị cũng khó hơn bởi các cơ bị liệt đã cứng lại. Nếu tình trạng liệt đã tiến triển sang thể này, bác sẽ được hướng dẫn nằm, ngồi, đứng, đi và giữ thăng bằng…
Bài tập cho bệnh nhân tai biến liệt nửa người
Sau khi tiến hành vật lý trị liệu tại các trung tâm, mỗi ngày, bác Quang nên kiên trì tập theo các bài tập tương ứng với từng bộ phận. Sau đây, chuyên gia sẽ hướng dẫn bác 3 bài tập với 7 động tác cơ bản để cải thiện di chứng tai biến liệt nửa người:
Bài tập chân
Động tác 1: Bác hãy đứng tựa hông vào tường, vịn tay không liệt vào mép bàn, đưa hông ra trước, giữ thăng bằng bằng chân không liệt, cố gắng gập chân liệt lại và giữ trong khoảng 5 giây, có thể nhờ đến sự trợ giúp của người thân nếu không gập được chân. Sau đó, nhẹ nhàng duỗi chân liệt ra, nghỉ khoảng 2 giây rồi gấp chân không liệt và dồn cả cơ thể về phía chân bị liệt, giữ 5 giây. Bác hãy thực hiện động tác này 10 lần.
Động tác 2: Bác đứng thẳng người, 2 chân cách nhau 20cm, thả lỏng cơ thể. Nhấc chân trái lên và dang rộng, để toàn bộ cơ thể ngả dần về bên trái và hạ chân. Lặp lại động tác này với bên phải. Bên chân liệt cần dùng tay vịn hoặc nhờ người thân giúp đỡ.
Động tác 3: Bác hãy đứng thẳng, 2 tay dang ngang, đặt chân không liệt lên một vật cao 15 – 20cm và thả lỏng, dồn cả trọng lượng người vào bên chân bị liệt.
Bài tập cho khớp háng, gối
Với bài tập này, bác cần đứng thẳng, 2 chân cách nhau 15 - 20cm. Vịn tay vào vật cố định. Bước chân không liệt lên phía trước và dồn toàn bộ cơ thể vào chân này để khớp háng chân liệt được tác động. Sau đó, bác chùng gối chân liệt xuống và cử động khớp gối, chỉ nhấc gót chân, không nhấc cả bàn chân. Thực hiện động tác này 20 lần.
Bài tập thăng bằng
Động tác 1: Bác hãy nhờ người thân đỡ cho đứng thẳng người. Sau đó, từ từ quay đầu ra sau theo chiều kim đồng hồ rồi quay ngược chiều kim đồng hồ. Thực hiện mỗi bên 10 lần.
Động tác 2: Khom lưng 90 độ, ngửa người ra sau hết sức có thể, lần lượt nghiêng sang trái, sang phải rồi xoay sang 2 bên. Thực hiện động tác 10 lần.
Động tác 3: Từ từ đưa 2 tay lên rồi hạ xuống bên phải, tiếp tục đưa lên rồi hạ sang trái. Thực hiện động tác 10 lần mỗi bên.
Lưu ý: Với mỗi bài tập này, bác cần kiên trì luyện tập thường xuyên và áp dụng với tư thế chuẩn để các cơ được cải thiện tích cực nhất.