Chào bác sĩ. Tôi là viên chức đã nghỉ hưu, năm nay 71 tuổi. Tôi mắc bệnh tiểu đường type 2 và được cảnh báo là nên đề phòng đột quỵ. 3 hôm trước, đột ngột tôi bị đau đầu, choáng váng, chân tay tê cứng, môi và cằm giật giật, tôi phải ngồi thụp xuống đất vì sợ ngã. Khoảng 5 phút sau thì hết. Tới chiều nay, khi đang tưới cây tôi lại gặp tình trạng này. Tôi rất lo lắng không biết đây có phải dấu hiệu đột quỵ nhưng ở mức độ nhẹ hay không và tôi phải làm gì? Rất mong được giải đáp. Tôi xin cảm ơn! (Đình Bảy – Hà Nội).
Trả lời:

Chào bác Bảy!

Trước hết, xin cảm ơn bác vì đã tin tưởng gửi câu hỏi cho chúng tôi. Về thắc mắc của bác, chuyên gia xin được giải đáp như sau:

Đột quỵ nhẹ là gì?

Đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não) là tình trạng não bộ tổn thương do dòng máu mang oxy và chất dinh dưỡng từ tim lên não đột ngột gián đoạn do mạch máu bị tắc hoặc vỡ. Đột quỵ nhẹ là cơn đột quỵ hồi phục nhanh, xảy ra khi dòng máu lên não bị tắc trong thời gian ngắn, thời gian diễn ra từ vài phút đến vài giờ và không để lại di chứng. Chính vì vậy, đột quỵ nhẹ còn được gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua.

Triệu chứng đột quỵ nhẹ

Triệu chứng đột quỵ nhẹ tương đồng với những gì xảy ra trong cơn đột quỵ nặng. Tùy theo vùng não bị tổn thương mà bệnh nhân có thể xuất hiện các dấu hiệu đột quỵ như:

- Đột ngột đau đầu dữ dội

- Tê yếu một bên cánh tay

- Bỗng nhiên khó nói

- Mất thị giác tạm thời (có thể ở 1 hoặc cả 2 bên mắt)

- Chóng mặt, mất thăng bằng, nôn ói.

Những triệu chứng này có đặc điểm là không rõ ràng và dữ dội như đột quỵ nặng, Đồng thời chúng cũng đến và đi rất nhanh, sau đó thoái lui hoàn toàn nên nhiều người thường chủ quan không khắc phục. Đây là sai lầm cực kỳ nghiêm trọng vì nếu không điều trị kịp thời, đột quỵ nhẹ sẽ tăng nặng trong vòng 48 giờ. Theo thống kê, có khoảng 10% bệnh nhân đột quỵ nhẹ (thể nhồi máu não) trong tháng đầu tiên, 20% bệnh nhân này có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ trong vòng 5 - 6 năm kế tiếp. Bệnh có thể để lại những di chứng nghiêm trọng như: Liệt nửa người, mất trí nhớ, rối loạn nhận thức, thậm chí là tử vong…

Với trường hợp của bác Bảy, theo bác mô tả, những triệu chứng mà bác gặp phải rất phổ biến ở người bị đột quỵ. Tuy nhiên, chúng lại khá tương đồng với nhiều tình trạng khác như trúng gió hoặc tiền đình nên chuyên gia chưa thể khẳng định chắc chắn. Tuy nhiên, bác còn cho biết mình có bệnh tiểu đường type 2 nên theo phán đoán của chuyên gia, khả năng cao là bác đã bị đột quỵ nhẹ. Bác cần thực hiện các xét nghiệm hình ảnh để có thể biết được chính xác nhất.

Điều trị đột quỵ nhẹ như thế nào?

Khi cơn đột quỵ xảy ra, chúng ta sẽ không thể phân biệt đó là nặng hay nhẹ và dù là thể nào thì bác cũng cần nhanh chóng xử lý. Trong trường hợp này, nếu đúng là bị đột quỵ nhẹ 2 lần, bác càng không thể trì hoãn việc điều trị. Không nên tự ý dùng thuốc theo kinh nghiệm bởi điều này có thể khiến cho bệnh càng trầm trọng hơn. 

Với đột quỵ nhẹ, có 2 phương pháp điều trị thường được áp dụng đó là điều trị nội khoa (dùng thuốc) hoặc ngoại khoa (phẫu thuật). Cụ thể: 

Điều trị nội khoa

Người bị đột quỵ nhẹ thường được kê thuốc chống đông hoặc thuốc chống kết tập tiểu cầu, tiêu biểu như: Aspirin, ticlopidine, dipyridamole, clopidogrel, cilostazol… 

Các loại thuốc trên đều có tác dụng phụ, dược tính mạnh và có thể tương tác với những thuốc khác mà bác dùng để điều trị bệnh tiểu đường. Vì vậy, bác cần sử dụng thuốc đúng theo chỉ định. 

Điều trị ngoại khoa

Khi bị đột quỵ nhẹ, nếu phát hiện hẹp ít nhất 70% đường kính lòng mạch thì người bệnh có thể phải phẫu thuật khai thông động mạch cảnh hoặc động mạch sống đoạn ngoài sọ.

Cách phòng ngừa đột quỵ

Để phòng ngừa đột quỵ, điều quan trọng là mỗi chúng ta phải thực hiện một lối sống khoa học và lành mạnh. Trong cuộc sống hàng ngày, bác Bảy hãy chú ý một số điều sau nhé:

- Điều trị bệnh tiểu đường: Tiểu đường là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ phổ biến nhất nên bác cần đặc biệt quan tâm. Hãy thường xuyên kiểm tra đường huyết và uống thuốc theo đúng hướng dẫn.

- Tập thể dục thường xuyên: Bác hãy lựa chọn những môn thể thao yêu thích, phù hợp với độ tuổi, chẳng hạn như đi bộ nhanh, cầu lông,… và tập ít nhất 30 phút mỗi ngày.

- Xây dựng chế độ ăn giàu dinh dưỡng: Bác hãy giảm muối, đường và dầu mỡ trong chế độ ăn hàng ngày, đồng thời bổ sung nhiều rau, củ, quả trong các bữa ăn hàng ngày.

- Hạn chế bia, rượu, tránh xa thuốc lá.

Chuyên gia tim mạch

*Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh!