Chào bạn !
Với câu hỏi của bạn chúng tôi xin phép trả lời như sau:
90% tăng huyết áp không tìm được nguyên nhân (gọi là tăng huyết áp nguyên phát) tuy nhiên người ta thấy những yếu tố nguy cơ như: tiền sử gia đình, tuổi cao, béo phì, uống rượu, ăn mặn, lười vận động, giới tính (nam mắc nhiều hơn nữ), căng thẳng, hút thuốc lá…10% tăng huyết áp là do một bệnh khác (tăng huyết áp thứ phát) như: bệnh thận, bệnh tim mạch, đái tháo đường, có thai, bệnh của tuyến giáp,..
Dựa vào những nguyên nhân cũng như các yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp ta sẽ có những cách phòng ngừa tăng huyết áp hiệu quả như: có chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lí, ăn nhiều rau xanh, hạn chế ăn mặn, đồ béo, uống rượu, bỏ thuốc lá, nên tập thể dục thường xuyên tăng cường sức khỏe, tránh căng thẳng. Khi bị đái tháo đường nên tránh ăn ngọt, kiểm soát tốt các bệnh có thể dẫn đến tăng huyết áp, và thực hiện chế độ dinh dưỡng theo các bệnh đó.
Ngày nay có rất nhiều nhóm thuốc điều trị tăng HA, mỗi nhóm có cơ chế tác dụng khác nhau và thích hợp với từng người bệnh khác nhau ( tuổi, bệnh kèm theo, tăng HA có gây tổn thương cơ quan đích nào chưa...). Vì vậy bệnh nhân nên đến bác sĩ chuyên khoa để được khám và cho thuốc thích hợp. Người bệnh cần điều trị lâu dài, liên tục nên cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa bác sĩ, bệnh nhân và gia đình trong quá trình điều trị. Bệnh nhân cần theo chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc hoặc thay đổi thuốc, nếu có triệu chứng gì lạ nên hỏi bác sĩ điều trị.Trong khi dùng thuốc thì vẫn phải thực hiện biện pháp không dùng thuốc tức là có những điều chỉnh trong chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng của mình một cách hợp lí nhất.
Chúc bạn sức khỏe !
Chuyên viên tim mạch