Chào bạn !
Câu hỏi của bạn cần phải làm rõ hai vấn đề sau: bạn đau nhói cổ họng và đau bên trái ức ngực .
Với đau nhói cổ họng: bạn đau khi nào có đau khi nuốt nước bọt, có kèm sốt, đau đầu, trường hợp này có thể là viêm họng hoặc viêm amiđan…, điều trị là dùng kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, bạn nên ngậm nước muối hàng ngày, uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả...
Còn vấn đề đau ức ngực trái: có nhiều bệnh lý có thể gây đau vùng ngực trái:
Bệnh tim mạch: đây là nhóm bệnh gây đau ngực trái quan trọng nhất, vì nó nguy hiểm nhất. Đứng đầu là đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim: thường xảy ra trên người từ trung niên trở lên, vị trí đau sau xương ức lan qua trái hay 2 bên ngực, có thể lan lên cổ và tay trái, cơn đau thường xảy ra khi gắng sức hay xúc động, mức độ từ nhẹ đến nặng, thời gian thường vài phút, nếu kéo dài trên 30 phút là nguy hiểm. Ngoài ra còn có đau ngực do viêm màng ngoài tim, bệnh van tim.
Đau ngực do nguyên nhân cơ xương hay do thần kinh liên sườn: do viêm một cơ, xương hay thần kinh nào đó ở vùng ngực. Thường có điểm đau rõ ràng trên ngực tại chỗ bị viêm, đau âm ỉ, tăng lên khi chạm mạnh vào, khi xoay trở, vận động đúng cơ, xương bị bệnh, khi thở mạnh…
Đau ngực có thể xảy ra do trạng thái stress, căng thẳng, lo âu kéo dài vốn hay xảy ra trên các bạn trẻ không có bệnh tật của cơ quan nào. Thức khuya kéo dài có thể gây suy nhược thần kinh, một rối loạn mạn tính rất khó điều trị.
Nguyên nhân tâm lý: có các dạng đau ngực không xảy ra do bệnh lý của cơ quan hay bộ phận nào ở ngực, mà lại do vấn đề của hệ thần kinh cao cấp. Thuộc nhóm này có các nguyên nhân như rối loạn lo âu, lo sợ, trầm cảm... thường đau ngực do nhóm nguyên nhân này xảy ra mơ hồ, mức độ thay đổi (thường là đau nhẹ), thường kèm theo khó thở, hồi hộp, mất ngủ...
Trên đây là một số nguyên nhân thường gặp có thể gây cảm giác đau ở ngực trái. Cũng có thể có các nguyên nhân khác hiếm gặp hơn. Bạn nên đi khám lại chuyên khoa nội tổng quát để phát hiện nguyên nhân và có hướng điều trị.
Thân ái !
Chuyên viên tim mạch