Chào bạn! Là bác sỹ trong ngành tiếp xúc với rất nhiều người bệnh tôi hiểu tâm lý và tình trạng hiện tại của ba bạn cũng như những khó xử của người thân trong gia đình. Những biến đổi tâm lí này không chỉ có ở bệnh nhân sau tai biến mà còn xảy ra ở nhiều bệnh nhân mắc nhiều các căn bệnh khác nhau. Trạng thái tâm lí thể hiện sự tức giận, cáu gắt, hay phàn nàn, kêu ca, chửi bới người thân,… Đây chính là tâm trạng chung của nhiều bệnh nhân khi họ thấy bất lực trước bệnh tật, mọi sinh hoạt phải phụ thuộc vào người khác, cảm giác của người bệnh là không còn có ích. Tất nhiên không phải bệnh nhân nào cũng có tâm lí như vậy nhưng không ít bệnh nhân có biểu hiện như ba bạn.
Người nhà cần thông cảm và thấu hiểu, sau khi bị đột quỵ người bệnh luôn lo lắng tình trạng tái phát hoặc sức khỏe suy giảm mà sống không lạc quan, thiếu tự tin do đó cần nhẹ nhàng trong giao tiếp, chăm sóc, động viên, quan tâm, luôn tạo không khí thoải mái, vui vẻ giúp tinh thần của ba không căng thẳng và quan tâm đến ba nhiều hơn. Trong trường hợp cần thiết có thể đưa ba đến thăm khám tại khoa thần kinh để được bác sĩ chuyên môn nói chuyện và kê thuốc an thần. Sự kiên trì và tình cảm gia đình hòa thuận, vui vẻ sẽ giúp ba bạn sớm ổn định tâm lí để điều trị bệnh.
Rất mừng vì sau đột quỵ sức khỏe của ba bạn tiến triển hồi phục tốt, tuy nhiên cần kiểm soát bệnh tốt hơn nữa qua điều trị bằng thuốc của bác sĩ để sớm phục hồi hoàn toàn. Ngoài việc uống thuốc cần chú ý đến chế độ ăn uống phù hợp với tình trạng sức khỏe và tiền sử bệnh lí của ông (nếu huyết áp cao cần ăn nhạt, tiểu đường cần hạn chế đường và tinh bột…). Chế độ ăn của người sau đột quỵ đảm bảo giàu dinh dưỡng, dễ tiêu, dễ hấp thụ đủ chất đạm, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Nếu ông có thể đi lại thì nên giúp ông đi bộ hàng ngày. Việc tập luyện vừa giúp hồi phục sức khỏe nhanh vừa giúp tinh thần thoải mái, lạc quan vui vẻ hơn.
Chúc ba bạn sớm điều trị phục hồi.