Đột nhiên, bạn phát hiện người thân hay thậm chí chính bản thân bạn gặp khó khăn trong việc phát âm hoặc không thể nói thành tiếng, không thể tự điều khiển tay chân? Đột nhiên méo miệng hoặc lệch một nửa bên mặt mà không rõ nguyên nhân? Đó chính là những dấu hiệu của đột quỵ não. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề vĩnh viễn. Vậy khi mắc phải những biểu hiện này, chúng ta cần làm gì? Hãy cùng tìm hiểu cách xử trí thích hợp để ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm do đột quỵ não gây ra qua bài viết dưới đây nhé!

Xử trí đúng cách có thể cứu sống người mắc đột quỵ não trong gang tấc

Bỗng nhiên nói ngọng, cấm khẩu, không hiểu được lời nói của người khác, méo miệng hoặc lệch một bên mặt, khó cử động tay, chân… là những biểu hiện đầu tiên thường gặp ở người mắc đột quỵ não. Khi gặp phải những biểu hiện này, chớ vội vàng cậy miệng bệnh nhân cho ngay một viên an cung ngưu hoàng hoàn hay ngậm thuốc hạ huyết áp, hoặc cố đánh gió cho người bệnh. Đó hoàn toàn là những phương pháp sai lầm có thể gián tiếp đưa người bệnh đến cánh cửa “tử thần”.

- Nguyên tắc đầu tiên là đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất khi có các biểu hiện của đột quỵ não để được cấp cứu kịp thời

Theo các chuyên gia đầu ngành về tim mạch, một thực tế gây khó khăn trong việc cấp cứu bệnh nhân đột quỵ não là do người nhà không nhận biết được sớm các dấu hiệu, dẫn đến đưa đến bệnh viện cấp cứu muộn. Mà đặc điểm của đột quỵ là bệnh cấp tính, cần được can thiệp cấp cứu càng sớm càng tốt. Chỉ một phút chậm trễ, người bệnh có thể phải trả giá đắt vì một vùng của não bộ bao gồm hàng triệu tế bào não bị chết đi, gây tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề. Hiện nay, tại bệnh viện Bạch Mai đã thành lập một đội ngũ bác sĩ phản ứng nhanh để cấp cứu kịp thời cho các trường hợp mắc đột quỵ não. Người bệnh sẽ nhanh chóng được làm các xét nghiệm, chiếu chụp xác định nguyên nhân và mức độ tổn thương. Tất cả những việc này sẽ được hoàn thành trong vòng 45 phút. “Thời gian vàng” đối với bệnh nhân bị đột quỵ não là trong vòng 3 giờ đầu kể từ khi xuất hiện các biểu hiện bệnh. Trong thời gian này, người bệnh sẽ được sử dụng thuốc tiêu sợi huyết làm tan cục máu đông để giảm tổn thương ở não bộ, cũng như giảm thiểu các di chứng.

- Nguyên tắc thứ 2 là sơ cứu đúng cách cho người bệnh đột quỵ não

Sơ cứu đúng cách cho người bệnh cũng là một trong những biện pháp góp phần ngăn chặn nguy cơ tử vong do đột quỵ não. Khi một người xuất hiện các dấu hiệu bất thường về ý thức và vận động như: Nói ngọng, liệt mặt, liệt nửa người,… cách tốt nhất là đặt bệnh nhân ở tư thế an toàn, kê đầu cao nghiêng về một bên để lưỡi không bị tụt chèn vào đường thở. Đồng thời, tư thế này cũng giúp người bệnh không bị sặc nếu có nôn hoặc đờm dãi. Tuyệt đối không đặt bệnh nhân nằm ngửa bởi những người bị đột quỵ hệ cơ bị liệt, do trọng lực có thể sẽ làm rơi hàm ra phía sau, lưỡi bị tụt xuống làm lấp và tắc đường thở. Nếu bị nôn trong khi nằm ngửa, người bệnh sẽ hít phải các chất nôn vào phổi gây tắc đường thở hoặc suy hô hấp, rất nguy hiểm đến tính mạng.

- Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa dẫn đến người mắc bệnh đột quỵ não thường được đi cấp cứu chậm là do người nhà bệnh nhân bị nhầm lẫn chứng “trúng gió” với đột quỵ. Trúng gió (hay còn gọi cảm) là tình trạng bất thường về sức khỏe, người bệnh đột ngột đau bụng, nôn, yếu nửa người,… Những biểu hiện của “trúng gió” và đột quỵ não có nhiều điểm trùng nhau nên dẫn đến hiểu lầm, tự xử trí ở nhà, từ đó bỏ lỡ mất khoảng “thời gian vàng” cứu sống bệnh nhân. Đối với những người bị trúng gió, chỉ cần một cốc trà gừng ấm là lại trở về bình thường. Nhưng với người bị đột quỵ não do tăng huyết áp cao dùng một cốc trà gừng nóng thì có thể làm huyết áp tăng cao và làm tình trạng bệnh nguy hiểm hơn. Chính vì vậy, người dân không phân biệt được “trúng gió” và đột quỵ thì tốt nhất nên đưa ngay người nhà đến bệnh viện để được xử trí kịp thời.