Khoảng 18% bệnh nhân tai biến mạch máu não tử vong, trong khi đó 10,4% người mắc bệnh này tái phát trong vòng 3 tháng với tình trạng nguy kịch hơn. Việc phòng tái phát đột quỵ rất quan trọng song không phải ai cũng biết.
Đang ngồi "lai rai" với bạn già trong hẻm, ông Trung, 60 tuổi, quận Phú Nhuận, TP HCM, đột nhiên thấy mặt mũi tối sầm, người loạng choạng muốn ngã, sau đó bất tỉnh. Ông Trung được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu, hôn mê sâu do đột quỵ tái phát. Hồi đầu năm, ông Trung từng bị đột quỵ, có tiền sử uống rượu và hút thuốc nhiều. Sau lần điều trị trước, gia đình ông đã được bác sĩ dặn kỹ về nguy cơ cũng như biểu hiện tái phát bệnh.
Không riêng ông Trung, nhiều người đã phải nhập viện vì những cơn đột quỵ tái phát đến lần thứ 2, thứ 3, phần do tuổi tác, phần do điều trị chưa dứt điểm, chưa “chặn đứng” những nguy cơ gây bệnh. Đột quỵ (hay còn gọi tai biến mạch máu não) là tình trạng một phần não bị hư hại đột ngột do mất máu, làm các tế bào não chết dần. Hậu quả là dẫn đến liệt nửa người, hôn mê hoặc tử vong. Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ mới mắc đột quỵ trong cộng đồng hằng năm là 1,27-7,46%.
Tại Việt Nam, theo một nghiên cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy và Đại học Y dược TP HCM, tỷ lệ tử vong do đột quỵ là 18%. Số bệnh nhân đột quỵ từ các địa phương khác chuyển về hai đơn vị y tế này có tỷ lệ tử vong rất cao, lên đến 70%, nghĩa là cứ 100 bệnh nhân đột quỵ có 70 trường hợp tử vong. Tử vong do đột quỵ đứng hàng thứ ba, sau bệnh mạch vành và ung thư.
Cholesterol cao có thể gây xơ vữa động mạch não - nguy cơ dẫn đến đột qụy
Đột quỵ có 2 dạng. Dạng xuất huyết não (chiếm 15% các trường hợp đột quỵ) do máu từ mạch máu não tràn vào nhu mô não, phổ biến với các trường hợp cao huyết áp kèm xơ vữa mạch máu, vỡ mạch do dị dạng như phình mạch hoặc u mạch. Cả 2 loại thương tổn mạch đều làm thành mạch mỏng manh, dễ vỡ. Nếu mạch máu bị phá vỡ, máu sẽ tràn vào tổ chức não nên gọi là xuất huyết não. Khi khối máu đó nằm gần vỏ não, máu dễ tràn vào màng não, lúc này được coi là xuất huyết não màng não.
Dạng nhồi máu não (chiếm 85% trường hợp đột quỵ) khi máu không lưu thông được tại nơi mạch bị hẹp do mảng xơ vữa hoặc cục huyết khối từ môt nơi khác đi đến và bít lòng mạch máu đó. Như vậy sự tưới máu bị đình trệ, những tế bào thần kinh ở vùng hạ lưu do mạch máu đó nuôi sẽ mau chóng bị hư hại do không có máu và các chất dinh dưỡng, sự diễn biến từ từ nhưng không ngừng tiến triển gây nên phù não.
Cả 2 dạng đột quỵ trên đều có thể do xơ vữa động mạch. Đây là bệnh do cholesterol cao, làm tích tụ chất béo trong thành mạch. Sự tích tụ diễn tiến thầm lặng tạo thành mảng xơ vữa. Chúng ngày càng to dần, gây chít hẹp lòng động mạch. Khi mảng xơ vữa bị vỡ, máu sẽ tiếp xúc với lõi chất béo bên trong mảng xơ vữa. Khi đó, các tế bào tiểu cầu và hệ thống đông máu bị hoạt hóa dẫn đến hình thành huyết khối. Nếu những khối máu này làm tắc một động mạch tưới máu não thì sẽ gây nhũn não hoặc đột quỵ.
Trong các yếu tố nguy cơ gây bệnh, tăng cholesterol là một trong những nguyên nhân hàng đầu. Mỡ màu tăng cao kết hợp với điều kiện có tổn thương cấu trúc thành mạch do hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường có thể tạo nên mảng xơ vữa thành động mạch. Thừa cân, béo phì và ít vận động là điều kiện thuận lợi làm tăng nhanh sự hình thành mảng xơ vữa, đồng thời là yếu tố cản trở việc điều trị rối loạn lipid máu.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, phòng bệnh tiên phát là quan trọng nhưng việc phòng chống tái phát lại mang ý nghĩa sống còn nhiều hơn với bệnh nhân, vì đột quỵ lần sau thường nặng hơn lần trước. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, tỷ lệ tái phát sau khi bị đột quỵ lần đầu là từ 3% đến 23% trong một năm đầu và từ 10% đến 53% trong 5 năm sau.
Đột quỵ là bệnh lý để lại những hậu quả nặng nề. Nghiên cứu của các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy, Nguyễn Tri Phương và Thống Nhất TP HCM còn cho thấy, sau đột quỵ não, khoảng 27-40,4% người bệnh bị mất trí nhớ. Sau khi điều trị và xuất viện, người bệnh cần phải được theo dõi để phòng tái phát bệnh.