Tăng huyết áp gây ra các biến chứng não rất đa dạng như: đột quỵ (do tắc mạch máu não hoặc xuất huyết não), nhồi máu cơ tim, thiểu năng trí tuệ … Trong đó, tai biến mạch máu não (đột quỵ não) là biến chứng được đề cập đến nhiều nhất. Mời các bạn  hãy cùng tìm hiểu vấn đề này qua bài viết sau nhé.

Tăng huyết áp nguyên nhân hàng đầu gây tai biến mạch máu não!

Tai biến mạch máu não (TBMMN) là tình trạng đột ngột bị tổn thương não do bắt nguồn từ mạch máu. Thường TBMMN xảy ra do tắc nghẽn một mạch máu trong sọ, gây chết một phần của não, hoặc do vỡ mạch máu trong sọ. Người bệnh đang bình thường khoẻ mạnh, đột nhiên bị tê liệt nửa người, hoặc đột ngột mất trí nhớ, đột ngột bị mờ mắt hay mất khả năng nói và hiểu lời nói… Tình trạng nặng, thì bệnh nhân đột ngột bị mê man bất tỉnh, đặc biệt nghiêm trọng là có thể dẫn đến tử vong.

Theo các thống kê y tế thế giới cho thấy, có tới một nửa số bệnh nhân bị TBMMN  là do tăng huyết áp trực tiếp gây ra. Huyết áp càng cao thì nguy cơ đột quỵ càng lớn. Tuy nhiên, báo cáo mới đây của các nhà khoa học Anh cho thấy, so với bệnh tăng huyết áp đơn thuần, sự biến động của con số huyết áp còn nguy hiểm hơn và rất dễ gây ra TBMMN. Vì vậy, các nhà khoa học đã khuyến cáo rằng trong quá trình điều trị bệnh tăng huyết áp, không chỉ chú trọng đến việc giảm con số huyết áp mà quan trọng hơn cần phải quan tâm đến sự ổn định của các con số huyết áp.

Ở các nước công nghiệp, TBMMN là nguyên nhân của khoảng 12% số người bị tử vong, đặc biệt là ở đối tượng người cao tuổi. Mỗi năm, ước tính có khoảng 150.000 người ở Anh bị tai biến trong đó chủ yếu là ở độ tuổi dưới 65, phần lớn bệnh nhân đều mắc di chứng nặng nề là hậu quả của tai biến để lại. Khoảng 1/3 trong số đó có nguy cơ tử vong trong vòng 10 ngày, 1/3 có khả năng hồi phục trong vòng 1 tháng, số còn lại có thể bị liệt toàn thân hoặc tàn tật. Có nhiều người huyết áp rất cao nhưng trong cơ thể lại cảm thấy bình thường, cơn tai biến xảy ra giống như “sét đánh” giữa lúc trời quang mây tạnh, là do bản thân bệnh nhân chủ quan không theo dõi và dự phòng từ trước. Nghiên cứu trên thế giới cho thấy: nếu điều trị giảm huyết áp xuống được 5-6 mm Hg là bạn đã giảm được nguy cơ đột quỵ tới 40%.

Tăng huyết áp cũng làm tăng các nguy cơ nhồi máu cơ tim. Ở các nước đang phát triển, tỷ lệ này còn cao hơn nhiều, tỷ lệ bệnh nhân biết mình bị tăng huyết áp và được điều trị lại rất thấp. Do vậy với những đối tượng trên 40 tuổi, mỗi lần đi khám tổng quát đều cần được đo huyết áp, và nếu không tăng huyết áp, thì hàng năm cũng nên đo lại ít nhất 1 lần.

Đo huyết áp thường xuyên để phòng ngừa tai biến mạch máu não (TBMMN)

Đo huyết áp thường xuyên sẽ cung cấp những thông tin hữu ích để biết rằng bạn có nguy cơ bị TBMMN hay không. Từ đó sẽ giúp bạn xác định phương pháp dự phòng TBMMN hiệu quả.

Bạn cần thực hành đo huyết áp trong trạng thái cơ thể như sau:

- Mặc trang phục thoải mái, không bó sát.

- Trước khi đo huyết áp ít nhất 2 giờ, không được hút thuốc lá, sử dụng rượu, bia, chất kích thích, đồ uống có gas...

- Nên nằm khi đo huyết áp. Tuy nhiên, định kỳ trong vòng 3 - 6 tháng, bạn nên kiểm tra huyết áp với tư thế đứng (đặc biệt là những bệnh nhân suy tĩnh mạch, đái tháo đường...).

- Tìm hiểu các bộ phận của máy đo huyết áp cơ (ở máy đo điện tử thì đơn giản hơn): Tai nghe mạch đập, đồng hồ báo số nối với vòng bít và quả bóp cao su.

Ổn định huyết áp và phòng ngừa TBMMN bằng liệu pháp từ tự nhiên

Khi thấy có dấu hiệu tăng huyết áp, bạn phải có những cách khắc phục kịp thời. Tốt nhất phải luôn ghi nhớ là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, muốn tránh xa nguy cơ bị tai biến do tăng huyết áp, hãy áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày, tránh stress. Nếu bạn đang bị tăng huyết áp, thì dự phòng đột quỵ bằng cách uống thuốc hạ huyết áp theo chỉ định, nên có máy đo huyết áp trong nhà để tự kiểm tra thường xuyên. Ở Việt Nam, hầu hết mọi người lại có thói quen tai hại là chỉ uống thuốc khi cảm thấy khó chịu, nếu trong người thấy khoẻ mạnh là tự ý bỏ thuốc không uống nữa. Điều này có thể gây ra những hậu quả khó lường.