Tận dụng nguyên liệu tưởng như chỉ làm thức ăn cho gia súc, nhóm nhà khoa học trẻ của ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội đã lên men dịch cám gạo, ứng dụng làm thực phẩm chức năng nhằm điều hòa một số bệnh rối loạn thần kinh.
Sau này có điều kiện tìm hiểu, tiến sĩ Cường thấy gạo lứt quan trọng nhất là màng gạo chứa khá nhiều chất như protein, axit amin, vitamin. Những chất này đều có công dụng tốt với sức khỏe con người. Nhưng thực tế việc xay sát khiến gạo mất đi màng, tạo thành cám gạo và con người thường sử dụng nó làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.Trong căn phòng nhỏ lỉnh kỉnh các loại máy móc trên tầng hai Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ Enzym và Protein, tiến sĩ Trịnh Tất Cường, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, 15 năm trước, anh nghe câu chuyện một người bị bệnh ung thư vòm họng, ăn gạo lứt hai năm và đến giờ vẫn sống khỏe.
Theo tiến sĩ Cường, nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Nhật Bản khi sản xuất thực phẩm thường có GABA (axit γ-Aminobutyric) - chất có chức năng quan trọng trong hệ thống thần kinh, có tác dụng điều hòa một số rối loạn thần kinh giống bệnh Parkinson, Huntingtons, Alzheimers.
Hiện có nhiều phương pháp sản xuất GABA như tách chiết từ các loại ngũ cốc, tạo điều kiện tối ưu để hạt gạo nảy mầm, lên men đậu tương bằng vi sinh vật. Trong đó, quá trình sản xuất GABA bằng lên men vi sinh vật (vi khuẩn, nấm) đang được ứng dụng rộng rãi.
Trong số các thực phẩm truyền thống để sản xuất GABA, cám gạo là nguồn nguyên liệu rất dồi dào bởi nó vốn chỉ làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Vì thế, ngay khi nhận được thông tin về chương trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước dành cho các nhà khoa học trẻ tiềm năng năm 2011, tiến sĩ Cường cùng cộng sự viết đề tài: “Nghiên cứu quy trình sản xuất axit gamma amino butyric từ lên men dịch cám gạo bằng Lactobacillus để ứng dụng làm thực phẩm chức năng”, và được phê duyệt khoản kinh phí 970 triệu đồng.
Sau nhiều thử nghiệm, nhóm nhà khoa học trẻ chọn được chủng vi khuẩn có lợi Lactobacillus và có khả năng sinh ra GABA từ dưa muối. Nhóm tìm điều kiện phù hợp cho quá trình lên men, tối ưu hóa các thành phần trong dịch lên men cám gạo để sản xuất GABA dạng bột bằng phương pháp kết tinh.
Kết quả, hàm lượng GABA thu được tương đối cao, với khoảng 700 gram GABA trong 10 lít dịch lên men. Đề tài được Hội đồng khoa học cấp nhà nước nghiệm thu, xếp loại khá. Tuy nhiên, đề tài của các nhà khoa học hiện vẫn nằm trong xó tủ.
Vị tiến sĩ 37 tuổi nói, với kinh phí chưa đến một tỷ đồng rót về, nhóm chỉ có thể nghiên cứu bước đầu chứ chưa thể chuyển sang giai đoạn sản xuất thử nghiệm.
Tiến sĩ Cường cho hay, thực phẩm chức năng GABA để tăng cường sức đề kháng của nước ngoài nhập về Việt Nam bán với giá khoảng 1 triệu đồng/100gram, thì khi sản xuất GABA trong nước, giá thành chỉ khoảng 250.000 đồng/100gram. Trong khi công dụng ngang nhau.
Theo tính toán của các nhà khoa học, để đầu tư một dây chuyền sản xuất thực phẩm chức năng GABA dạng bột từ cám gạo chỉ khoảng 500 triệu đồng. Nhưng trước đó, họ cần nguồn kinh phí một tỷ đồng để tiếp tục tiến hành các thử nghiệm cần thiết trước khi sản xuất đại trà. Song, với họ số tiền này là quá lớn.
Tiến sĩ Cường nói, anh đang “loay hoay” tìm đầu ra cho công trình nghiên cứu có khả năng ứng dụng rất cao này. Song, để mỗi công trình nghiên cứu thực sự được ra thị trường thì cần bàn tay của doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước.