Triệu chứng của nhồi máu cơ tim là khi có các dấu hiệu như đau ngực trái dữ dội có chiều lan xuyên lên vai (thường là vai trái), dọc xuống tay (trái), kèm theo mạch nhanh, huyết áp tụt, cho ngửi các thuốc giãn mạch như nitroglycerin không đỡ; có thể có các triệu chứng kèm theo như khó thở, buồn nôn, mệt mỏi, vã mồ hôi, đánh trống ngực... Tuy nhiên cũng có thể nhồi máu cơ tim mà không có đau thắt ngực, do vậy việc chẩn đoán nhồi máu cơ tim ngoài triệu chứng đau thắt ngực kéo dài cần làm thêm xét nghiệm đo điện tim, siêu âm tim, xét nghiệm các men tim trong máu và được thăm khám trên lâm sàng bởi các bác sĩ chuyên khoa về tim mạch. Các nhà chuyên môn sẽ tùy theo nhồi máu cơ tim cấp thuộc nhóm có nguy cơ cao hay thấp mà tiên lượng và có hướng xử trí khác nhau.

Bệnh nhồi máu cơ tim nhất thiết phải được điều trị tại cơ sở hồi sức tích cực và có chuyên khoa sâu về tim mạch, bởi tử vong do nhồi máu cơ tim thường là do loạn nhịp tim và suy tim. Do đó việc phát hiện nhanh và xử trí kịp thời các loạn nhịp thất và suy tim sẽ làm giảm tử vong ở bệnh lý nguy hiểm này. Các công đoạn trong điều trị cũng rất phức tạp và đòi hỏi nhanh chóng, kịp thời bao gồm:

- Điều trị trước mắt: giảm đau bằng các thuốc chống co thắt, morphin, liệu pháp oxy (cho bệnh nhân thở oxy).

- Đảm bảo sự cung cấp máu trở lại: làm tan các cục máu đông, chụp động mạch vành, nong động mạch vành hay làm cầu nối khi có chỉ định.

- Các biện pháp làm giảm kích thước ổ nhồi máu.

- Điều trị chống đông và chống vón tiểu cầu.

- Điều trị các biến chứng như: rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim, biến chứng về rối loạn huyết động, thiếu máu cơ tim cục bộ và nhồi máu thứ phát, biến chứng màng ngoài tim sau nhồi máu và cuối cùng là phục hồi chức năng.

Tóm lại điều trị nhồi máu cơ tim cấp là một cấp cứu, bệnh nhân nên được theo dõi điều trị tại khoa hồi sức tim mạch, nhất thiết phải có đường cho thuốc qua tĩnh mạch, phải theo dõi điện tim liên tục và có nhân viên y tế chuyên khoa theo dõi để chẩn đoán được các loạn nhịp tim, suy tim và các biến chứng; bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, hạn chế tối đa số người thăm hỏi. Thời gian điều trị và chi phí phụ thuộc vào việc cấp cứu ban đầu (có đưa người bệnh đến viện kịp thời không, có biến chứng chưa…).

Về chế độ ăn uống, phải tuân thủ chế độ ăn bệnh lý được qui định, thường vào ngày đầu sau khi nhồi máu nên ăn loãng hoặc mềm, sau đó là chế độ ăn nhạt, ít cholesteron, tuyệt đối không dùng cà phê và thuốc lá, bia, rượu cũng như các đồ uống nóng, lạnh

Do tính chất đặc biệt nguy hiểm của bệnh nhồi máu cơ tim nên người bệnh đã có nghi ngờ hoặc đã được chẩn đoán nhồi máu cơ tim thì nên đến bệnh viện có khoa hồi sức tim mạch gần nhất càng sớm càng tốt.

Ở đây chỉ có thể hướng dẫn bạn về một số vấn đề trong việc phòng bệnh tái phát sau nhồi máu như làm giảm các yếu tố nguy cơ: bỏ thuốc lá, cai nghiện cho những người nghiện thuốc, tránh dùng bia, rượu, cà phê và các đồ uống kích thích; điều trị triệt để các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng cholesterol máu; có các buổi tập thể dục tại các cơ sở hay trung tâm phục hồi chức năng.