Xơ vữa động mạch là bệnh khá phổ biến gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Đây là một trong những bệnh lý có thể gây tình trạng đột quỵ não, đau tim và dẫn đến tử vong. Cùng tìm hiểu tổng quan về xơ vữa động mạch qua bài viết dưới đây.

Xơ vữa động mạch là gì?

Động mạch là bộ phận có chức năng chuyển máu từ tim và mang oxy, dưỡng chất đi nuôi dưỡng các cơ quan trong cơ thể. Sau thời gian dài vận hành, chất béo, cholesterol và những chất khác sẽ lắng đọng lại ở thành mạch được gọi là mảng xơ vữa gây ra hiện tượng hẹp lòng động mạch. Tình trạng này được gọi là bệnh xơ vữa động mạch.

Xơ vữa động mạch làm cản trở máu lưu thông và có thể xảy ra tại nhiều hệ thống mạch như mạch vành, mạch cảnh, mạch ngoại biên, mạch chi dưới… Khi mảng xơ vữa bị nứt vỡ ra sẽ tạo những cục máu đông lấp kín thành mạch vốn dĩ đã hẹp sẵn do mảng xơ vữa gây ra. Chính những vấn đề này đóng vai trò chủ yếu dẫn đến các biến chứng tim mạch như nhồi máu cơ tim, tắc mạch chi, nhồi máu não,...

hinh-anh-nhung-mang-bam-gay-xo-vua-dong-mach.webp

Hình ảnh những mảng bám gây xơ vữa động mạch

Phân loại và các triệu chứng xơ vữa động mạch

Xơ vữa động mạch có thể gây ảnh hưởng đến mọi động mạch trong cơ thể. Dưới đây là những loại động mạch dễ gặp tình trạng xơ vữa nhất và các triệu chứng thường gặp. Cụ thể như sau:

Xơ vữa động mạch vành

Xơ vữa động mạch vành là bệnh phổ biến nhất trong các loại xơ vữa động mạch. Động mạch vành là bộ phận cung cấp máu giàu oxy để nuôi tim. Tình trạng mạch vành xơ cứng cùng những mảnh vỡ mảng bám khiến lòng mạch bị thu hẹp gây ảnh hưởng đến quá trình lưu thông, cung cấp máu đến tim.

Xơ vữa động mạch vành khiến máu không cung cấp đủ cho não và tim, dẫn đến những dấu hiệu như tê bì chân tay, tứ chi yếu ớt vô lực, mất thị lực tạm thời hoặc cơ mắt rủ xuống.

Xơ vữa động mạch cảnh

Động mạch cảnh xuất phát từ động mạch chủ đi lên chia hai nhánh ở hai bên cổ, có nhiệm vụ cung cấp máu nuôi dưỡng não. Xơ vữa động mạch cảnh tiến triển tương đối chậm và gần như không có biểu hiện trong giai đoạn đầu.

Dấu hiệu của bệnh này là giảm thị lực do lượng máu lên não bị thiếu hụt. Ngoài ra, người bệnh có thể bị rối loạn vận động với những triệu chứng như cơ thể đột nhiên yếu, mất thăng bằng, rối loạn ngôn ngữ hoặc nặng hơn là liệt nửa người.

Xơ vữa động mạch ngoại biên

Động mạch ngoại biên là những động mạch ở vùng tiểu khung, chi dưới, chi trên. Hiện tượng xơ vữa động mạch ngoại biên hay gặp nhất là đau mỏi, chuột rút và cảm giác tê bì vùng bị tổn thương. Ở một số nam giới, bệnh xơ vữa động mạch ngoại biên còn có thể nhận ra bởi triệu chứng rối loạn cương dương.

Xơ vữa động mạch thận

Xơ vữa động mạch thận là sự thu hẹp của động mạch có vai trò mang máu đến nuôi thận. Bệnh lý này thường không có dấu hiệu rõ ràng và chỉ nhận ra khi đã đến giai đoạn nặng.

xo-vua-dong-mach-gay-anh-huong-den-qua-trinh-luu-thong-mau.webp

Xơ vữa động mạch gây ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu

Đối tượng có thể bị xơ vữa động mạch

Xơ vữa động mạch có thể xảy ra ở bất kỳ ai và mọi độ tuổi. Tuy nhiên, nhóm đối tượng dưới đây sẽ tiềm ẩn nguy cơ mắc cao hơn cả:

  • Người lớn tuổi: Nhóm tuổi sau 40 là đối tượng dễ mắc xơ vữa động mạch. Đây là độ tuổi mà động mạch sẽ bắt đầu có dấu hiệu lão hóa. Nam giới thường có khả năng dễ mắc bệnh lý này sau tuổi 45 và nữ giới thường mắc xơ vữa động mạch sau giai đoạn tiền mãn kinh, khoảng sau 55 tuổi.
  • Người đang mắc bệnh huyết áp, đái tháo đường, cholesterol cao: Những người mắc bệnh lý này có nguy cơ rất cao bị xơ vữa động mạch và thường gặp phải các biến chứng khó lường. Đặc biệt là khi các bệnh lý nền này kết hợp với yếu tố tuổi tác cao.
  • Người có gia đình mắc bệnh tim mạch: Nếu gia đình có người mắc bệnh lý về tim mạch, đột quỵ não thì khả năng con cái họ mắc bệnh tim mạch, xơ vữa động mạch cao hơn hẳn so với những người khác.
  • Người có lối sống không lành mạnh: Những thói quen không tốt cho tim mạch như lười vận động, thường xuyên hút thuốc lá, chế độ dinh dưỡng không đảm bảo,... sẽ làm tích tụ  mảng bám ở thành động mạch gây bệnh xơ vữa động mạch.

nguoi-cao-tuoi-co-nguy-co-mac-xo-vua-dong-mach.webp

Người cao tuổi có nguy cơ cao mắc xơ vữa động mạch

Nguyên nhân gây bệnh xơ vữa động mạch

Nghiên cứu cho thấy, xơ vữa động mạch liên quan mật thiết đến tỷ lệ  cholesterol trong máu. Ngoài ra, vữa động mạch cũng liên quan đến yếu tố di truyền. Khi người bị mỡ máu cao không điều trị kịp thời, hàm lượng mỡ trong máu sẽ tích tụ ngày càng nhiều ở thành động mạch gây ra những mảng xơ vữa làm dày thành động mạch, khiến quá trình lưu thông máu bị tắc nghẽn.

Ngoài hai nguyên nhân chủ yếu kể trên, một số yếu tố khách quan khác cũng làm tăng nguy cơ mắc xơ vữa động mạch bao gồm:

  • Chế độ ăn uống không khoa học, ăn nhiều thức ăn chứa dầu mỡ, nội tạng, mỡ động vật,...
  • Thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia.
  • Không thường xuyên tập luyện thể dục thể thao hay công việc văn phòng phải ngồi một chỗ quá nhiều.
  • Cơ thể thừa cân, béo phì có chu vi vòng eo lớn.
  • Yếu tố tuổi tác, phụ nữ đã mãn kinh và nam giới trên 45 tuổi sẽ có nguy cơ mắc xơ vữa động mạch cao hơn người trẻ tuổi.

Biến chứng của xơ vữa động mạch

Xơ vữa động mạch có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của người bệnh hoặc dẫn đến bất tiện trong cuộc sống hàng ngày:

  • Cơn đau thắt ngực: Những mảng xơ vữa trong lòng mạch làm hẹp dần động mạch, nếu nứt vỡ sẽ dẫn đến cơn đau thắt ngực trầm trọng.
  • Nhồi máu cơ tim: Khu vực mảng xơ vữa nứt ra làm lộ nội mạc tổn thương bên trong và hình thành cục máu đông. Hiện tượng này sẽ làm lấp một hoặc nhiều nhánh động mạch vành dẫn đến bệnh nhồi máu cơ tim. Khi cơ tim không có máu để nuôi dưỡng sẽ dẫn đến hoại tử. Trường hợp không được cấp cứu kịp thời, người bệnh sẽ tử vong.
  • Đột quỵ não: Đây là biến chứng nguy hiểm của xơ vữa động mạch. Nguyên nhân do những cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu lên não dẫn đến tình trạng đột quỵ. Trường hợp nhẹ người bệnh có thể bị liệt người, nặng sẽ dẫn đến tử vong.
  • Suy tim: Tim không cung cấp đủ máu lâu dài sẽ làm hoạt động cơ tim lâu dần, dẫn đến hiện tượng suy tim.
  • Phình mạch: Đây là biến chứng phổ biến của bệnh xơ vữa động mạch. Biến chứng này có thể gây tử vong ngay lập tức cho người bệnh do động mạch bị vỡ.

xo-vua-dong-mach-gay-nhieu-bien-chung-cho-suc-khoe.webp

Xơ vữa động mạch gây nhiều biến chứng cho sức khỏe

Các biện pháp điều trị bệnh xơ vữa động mạch

Nhìn chung, bệnh xơ vữa động mạch khá khó để có thể điều trị dứt điểm. Tuy nhiên hiện nay vẫn có một phương pháp giúp hỗ trợ điều trị và ngăn chặn bệnh phát triển thêm. Cụ thể như sau:

Thay đổi lối sống lành mạnh

Thay đổi lối sống là cách tốt nhất giúp hỗ trợ điều trị và giảm những biến chứng của bệnh xơ vữa động mạch. Những vấn đề cần cải thiện bao gồm: Chế độ dinh dưỡng, tập luyện và thay đổi những thói quen sinh hoạt không tốt cho sức khỏe.

Điều trị bằng thuốc

Thuốc điều trị cholesterol, huyết áp cao sẽ làm chậm hoặc ngăn chặn chứng xơ vữa động mạch hiệu quả. Ngoài ra, những loại thuốc này được biết đến có tác dụng giảm các biến chứng của xơ vữa động mạch như đột quỵ não, suy tim, đau tim. Tuy nhiên, bạn cần sử dụng thuốc với liều lượng đúng như bác sĩ chỉ định và lưu ý những tác dụng phụ của thuốc có thể gặp phải.

Nong mạch vành và đặt stent

Phương pháp này được bác sĩ chỉ định thực hiện trong trường hợp động mạch vành hẹp trên 70%. Khi đó, bệnh nhân cần thực hiện nong mạch vành và đặt stent ngay để đảm bảo sức khỏe và tránh những biến chứng sau này.

Bác sĩ sẽ dùng ống thông nhỏ gắn bóng, giá đỡ kim loại đưa qua động mạch đùi hay cổ tay để đi đến động mạch vành. Khi đến đúng vị trí bị xơ vữa, bóng sẽ được thổi phồng lên nhằm mở rộng lòng mạch và cho vào giá đỡ kim loại (stent) để hỗ trợ mở đường cho lưu thông mạch máu.

Phẫu thuật bắc cầu mạch vành

Phẫu thuật bắc cầu mạch vành thường chỉ định trong trường hợp xơ vữa động mạch nặng. Động mạch hoặc tĩnh mạch khỏe mạnh sẽ được bác sĩ ghép với động mạch bị chặn. Phẫu thuật này giúp tạo con đường mới cho máu chảy đến cơ tim đều đặn. 

phau-thuat-bac-cau-mach-vanh-chi-ap-dung-trong-truong-hop-nang.webp

Phẫu thuật bắc cầu mạch vành chỉ áp dụng trong trường hợp nặng

Cách phòng ngừa bệnh xơ vữa động mạch hiệu quả

Cách tốt nhất để phòng ngừa những biến chứng của bệnh xơ vữa động mạch là phát hiện bệnh sớm ngay từ giai đoạn đầu để có phương pháp điều trị kịp thời. Ngoài ra, bạn có thể giảm những yếu tố nguy cơ mắc bệnh bằng cách tuân thủ theo những điều sau:

  • Thay đổi chế độ ăn: Tiêu thụ đầy đủ trái cây, rau củ quả để đảm bảo nguồn chất xơ, khoáng chất, vitamin. Đồng thời giảm chất béo bão hòa, tránh xa những thực phẩm có chất béo chuyển hóa, thay vào đó là những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật.
  • Tập thể dục thường xuyên: Đi bộ, bơi lội, đạp xe tối thiểu 30 phút mỗi ngày là thói quen tốt giúp bạn cải thiện sức khỏe, tăng tuần hoàn máu, kiểm soát cân nặng, điều hòa huyết áp hiệu quả.
  • Bỏ thuốc lá: Thuốc lá làm tăng cholesterol và ảnh hưởng xấu đến nội mạc mạch máu. Vì vậy, để tránh bị xơ vữa động mạch bạn cần ngừng hút thuốc lá ngay bây giờ. Bỏ thuốc không chỉ bảo vệ bản thân mà còn là cách giúp bạn bảo vệ sức khỏe cho những người thân yêu.
  • Kiểm tra chỉ số cơ thể định kỳ: Việc kiểm tra định kỳ giúp bạn ngăn ngừa những yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch như đường huyết, huyết áp cao, béo phì.

Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng thêm sản phẩm từ thiên nhiên giúp tăng tuần hoàn, lưu thông máu, giảm nguy cơ mắc bệnh lý xơ vữa động mạch. Các sản phẩm thiên nhiên với thành phần chính là enzyme nattokinase được giới chuyên gia nhắc đến nhiều trong những năm gần đây với tác dụng ngăn ngừa hội chứng xơ vữa động mạch và giảm biến chứng của bệnh lý này.

Nattokinase là loại enzyme chiết xuất từ đậu tương - món ăn truyền thống của người Nhật Bản. Loại enzyme này được biết đến có khả năng tiêu hủy sợi fibrin, đồng thời tăng cường sản sinh enzyme nội sinh trong cơ thể.

Nattokinase còn được chứng minh có tác dụng làm giảm huyết áp, chống xơ vữa động mạch hiệu quả. Chính vì vậy, sử dụng sản phẩm thiên nhiên chứa thành phần nattokinase là giải pháp tối ưu nhất giúp bạn phòng ngừa bệnh xơ vữa động mạch và bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất.

Bài viết trên đây là những chia sẻ kiến thức tổng quan về bệnh xơ vữa động mạch. Nếu bạn muốn biết thêm về cách điều trị, biện pháp phòng ngừa hay bất kỳ thông tin nào liên quan đến bệnh lý này, vui lòng để lại thông tin để được hỗ trợ nhanh nhất.

Nguồn tham khảo:

https://en.wikipedia.org/wiki/Atherosclerosis

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/arteriosclerosis-atherosclerosis/symptoms-causes/syc-20350569

https://www.webmd.com/heart-disease/what-is-atherosclerosis