Đối với bệnh đột quỵ não (hay còn gọi tai biến mạch máu não), “thời gian là vàng” bởi mỗi giây phút đi qua, đồng nghĩa với việc cơ hội cứu sống bệnh nhân sẽ giảm dần. Người thân, bác sĩ và bệnh nhân đều phải chạy đua với thời gian để can thiệp sớm nhất để hạn chế tối đa những di chứng nặng nề. Dưới đây là 4 nguyên tắc bạn phải “thuộc lòng”, bởi nó sẽ quyết định sự sống còn của người bệnh trong gang tấc.

1. Phát hiện sớm dấu hiệu đột quỵ não

Khi quan sát ai đó có biểu hiện bất thường, nghi ngờ dấu hiệu đột quỵ não, bạn cần yêu cầu người bệnh thực hiện những hành động như: Cười, nói, giơ tay lên… để đánh giá chính xác tình trạng bệnh. Nếu thấy họ có những biểu hiện sau đây rất dễ bị đột quỵ não:

- Đột nhiên tê, yếu hoặc liệt mặt, cười lệch, méo miệng, tay và chân bị tê liệt, thường bị ở một bên cơ thể.

- Nói khó hoặc nói ngọng.

- Đi không vững, chóng mặt, mất thăng bằng hoặc khó phối hợp vận động. Người bệnh không giơ được cánh tay hoặc chân lên cao khi được yêu cầu.

- Rối loạn thị giác ở một hoặc hai mắt như tối mắt, mờ mắt, nhìn đôi, mù mắt.

- Lú lẫn, rối loạn nhận thức.

- Đau đầu dữ dội

2. Gọi ngay xe cấp cứu

Khi phát hiện người bệnh có dấu hiệu mắc đột quỵ não, cần đỡ họ nằm nghỉ ở chỗ thoáng, nên để nằm nghiêng và gọi ngay xe cấp cứu. Trong khoảng thời gian 3 giờ đầu kể từ khi xuất hiện các biểu hiện của  đột quỵ não, nếu được đưa đến bệnh viện lớn thì cơ hội cứu sống bệnh nhân sẽ tăng cao và có thể ngăn chặn những di chứng nguy hiểm. Nếu bỏ qua khoảng “thời gian vàng” thì khả năng hồi phục của bệnh nhân sẽ rất kém, có thể để lại di chứng nặng nề vĩnh viễn.

3. Sơ cứu cho bệnh nhân đúng cách

Giữ bệnh nhân nằm yên, tránh bị té ngã, sau đó cho bệnh nhân nằm đầu cao 30 độ. Nên để họ nằm nghiêng, loại bỏ mọi dị vật có trong miệng bệnh nhân như đờm, dãi, thức ăn,… Nếu thấy người bệnh khó thở hay ngừng thở, hãy thổi hơi vào miệng họ. Nếu bệnh nhân bị ngừng tim, cần bóp tim ngoài lồng ngực cho họ.

4. Tuyệt đối không tự điều trị cho bệnh nhân bằng bất cứ phương pháp nào

Không được tự ý điều trị cho bệnh nhân dù là bấm huyệt, châm cứu, cạo gió, dùng kim châm vào đầu ngón tay,… Những phương pháp này không thể cứu sống bệnh nhân mà còn làm chậm trễ trong việc cấp cứu, từ đó khiến tình trạng trầm trọng hơn.

Không tự ý dùng thuốc hạ áp hay ngậm thuốc huyết áp dưới lưỡi. Bởi đột quỵ não có 2 dạng là thiếu máu não và xuất huyết não. Nếu bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu thì khi ngậm thuốc dưới lưỡi sẽ làm tụt huyết áp, các tĩnh mạch bị thiếu máu, làm tăng nguy cơ tử vong.

Bệnh nhân mắc đột quỵ não nếu được cấp cứu kịp thời trong vòng 3 giờ đầu sẽ được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết. Thuốc này sẽ làm tan cục máu đông, khơi thông dòng máu và tiếp tục cung cấp máu trở lại cho các vùng não đang bị thiếu. Vì vậy, việc sử dụng thuốc tiêu sợi huyết càng sớm bao nhiêu thì hiệu quả điều trị càng cao bấy nhiêu.