Đột quỵ là tình trạng dòng máu lên não bị tắc nghẽn hoặc mạch máu ở não bị rò rỉ và vỡ ra. Bệnh lý này ngày càng phổ biến và đã vượt lên đứng thứ 3 trên thế giới và ở Việt Nam về tỷ lệ gây tử vọng. Các nhà khoa học gần đây đã phát hiện thêm các yếu tố khá ngạc nhiên có thể làm nguy cơ bị đột quỵ cao hơn.  

6 yếu tố khiến nguy cơ bị đột quỵ cao hơn

1. Chế độ ăn giàu chất béo
Một nghiên cứu thuộc Đại học North Carolina (Hoa Kỳ) đã phát hiện những người phụ nữ sau mãn kinh nếu duy trì một chế độ ăn giàu chất béo sẽ có tỷ lệ đột quỵ, thiếu máu cục bộ cao hơn 40% so với những người có chế độ ăn ít chất béo hơn. Theo các nhà khoa học, các chất béo chuyển vị, được tìm thấy trong các thực phẩm chế biến sẵn như bánh ngọt và bánh quy là nguyên nhân chủ yếu khiến nguy cơ đột quỵ gia tăng, nhóm phụ nữ tiêu thụ từ 7 gram chất béo chuyển vị mỗi ngày có nguy cơ cao hơn 30% so với nhóm phụ nữ chỉ ăn 1 gram.
2. Sống độc thân
Một nghiên cứu đến từ trường Đại học Tel Aviv tại Israel với sự tham gia của hơn 10.000 người đàn ông Israel đã cho thấy, những đối tượng đã kết hôn ở tuổi trung niên, cuộc sống hôn nhân hạnh phúc sẽ làm giảm 64% nguy cơ tử vong vì đột qụy trong 34 năm tiếp theo so với những người không hạnh phúc hoặc có cuộc sống đơn độc.
3. Thường xuyên bất ổn về tâm lý
Các nhà khoa học ở trường Đại học Y khoa Đại học Texas tại Galveston, Hoa Kỳ đã báo cáo vào năm 2001 rằng, trong số những người lớn tuổi tham gia vào nghiên cứu, nếu họ duy trì tâm trạng và có thái độ tích cực có thể giúp giảm thiểu nguy cơ đột quỵ. Các nhà khoa học đã cho rằng, những người có tâm trạng và thái độ tích cực thì họ sẽ có nhiều khả năng để có được chăm sóc y tế, tập thể dục và chú ý giữ gìn sức khỏe, tất cả các yếu tố khác giúp chống lại đột quỵ tốt hơn những người khác.

4. Tình trạng thừa cân/béo phì
Theo các nhà khoa học thuộc trường Đại học Minnesota, trọng lượng cơ thể cao hơn mức bình thường thì có nghĩa nguy cơ đột quỵ cũng sẽ cao hơn. Cụ thể, các nhà khoa học đã theo dõi hơn 13.000 người tại Hoa Kỳ trong 19 năm và nhận thấy nguy cơ đột quỵ cao nhất là thuộc nhóm những người có chỉ số khối cơ thể BMI cao nhất (gấp 1,43 - 2,12 lần so với những người có chỉ số BMI thấp nhất). Các nhà khoa học cho rằng, sự dư thừa trọng lượng làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và bệnh đái tháo đường, tất cả yếu tố này đều gây nguy cơ cao cho bệnh đột quỵ.
5. Hút thuốc lá
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), so với những người bình thường không hút thuốc lá, những người hút thuốc lá có nguy cơ đột quỵ cao gấp 2 lần. May mắn là, việc cai thuốc lá vẫn có thể làm giảm yếu tố nguy cơ đột quỵ, thậm chí đối với những người đã nghiện thuốc nặng. Một nghiên cứu năm 1988 cho thấy, những người đã cai thuốc lá ít nhất 5 năm đã có thể giảm tỷ lệ đột quỵ ngang bằng như những người không hút thuốc lá.
6. Chủng tộc và giới tính
Bên cạnh 5 yếu tố không ngờ khiến nguy cơ đột quỵ bị tăng cao như đã kể ở trên thì yếu thứ 6 này lại nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Theo AHA, yếu tố chủng tộc tác động lên nguy cơ bị đột quỵ của chúng ta cũng sẽ khác nhau cụ thể như sau: người da đen có tỷ lệ đột quỵ cao hơn nhiều so với người da trắng và người da vàng. Một phần của sự chênh lệch này được các nhà nghiên cứu lý giải là có thể do tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp ở người da đen cao hơn so với các chủng tộc khác.
Giới tính cũng là một trong yếu tố làm đột quỵ xảy ra cao hơn. Các nhà khoa học tại trường Đại học Nam California (Hoa Kỳ) đã chỉ ra rằng, những phụ nữ từ trong tầm 35 - 64 tuổi có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 3 lần nam giới cùng độ tuổi. Họ đã giải thích là phụ nữ có thể trọng lượng cơ thể chứa nhiều chất béo ở bụng hơn nam giới, đó một yếu tố tiềm ẩn gây đột quỵ.

Đột quỵ não – bệnh lý cần phòng bệnh hơn là chữa bệnh

Có thể thấy, trong số các yếu tố vừa kể trên thì đa số chúng ta đều có thể kiểm soát được chúng để có thể phòng ngừa tình trạng đột quỵ não. Vì vậy, cách giữ gìn sức khỏe tốt nhất là hãy “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, hãy thay đổi lối sống bằng cách cai thuốc lá, có chế độ dinh dưỡng giàu vitamin, khoáng chất, hạn chế ăn quá nhiều chất béo và các thực phẩm giàu calo, liệu pháp dinh dưỡng còn nhằm làm giảm lượng lipid máu, giảm huyết áp và giảm đường máu nếu bệnh nhân bị đái tháo đường; Đồng thời, bạn còn có thể tham gia các hoạt động thể lực để làm cải thiện tình trạng tim mạch và làm cải thiện các yếu tố nguy cơ tim mạch như rối loạn lipid máu, béo phì và tăng huyết áp.