Đột quỵ hay tai biến mạch máu não là một trong những nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu và gây tử vong cao thứ 3 sau ung thư và tim mạch. Có nhiều cách để có thể làm giảm nguy cơ tái phát của đột quỵ. Trong đó là kiểm soát tốt các yếu tố nguy như cao huyết áp, béo phì, tiểu đường, mỡ máu, các bệnh lý tim mạch… và thay đổi chế độ sống… là hết sức quan trọng.
Kiểm tra sức khỏe thường xuyên
Bệnh lý tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu…. cần được theo dõi thường xuyên bởi bác sĩ chuyên khoa. Các yếu tố nguy cơ này sẽ được giảm bớt một cách tối đa bằng các thuốc điều trị thích hợp . Đồng thời cần sự thay đổi lối sống tích cực và sự hợp tác từ bệnh nhân.
Kiểm soát bệnh tăng huyết áp
Huyết áp ở mức 120/80mmHg là trị số bình thường. Được gọi là tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu lớn hơn hoặc bằng 140 và hoặc huyết áp tâm trương lớn hơn hoặc bằng 90 mmHg. Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của đột quỵ. Tăng huyết áp làm nặng thêm tình trạng xơ vữa mạch máu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, gây tăng áp lực lên thành mạch máu, và có thể làm vỡ mạch máu. Bệnh nhân có tăng huyết áp có nguy cơ đột quỵ cao gấp 4 – 6 lần so với bệnh nhân có huyết áp bình thường.Nếu không kiểm soát tốt tình trạng huyết áp, nguy cơ đột quỵ tái phát sẽ rất cao.
Kiểm soát huyết áp bao gồm chế độ ăn ít muối, giảm cân, giảm stress, và uống các thuốc thích hợp. Cần lưu ý rằng các thuốc huyết áp chỉ có tác dụng khi được sử dụng thường xuyên mỗi ngày. Không nên tự ý ngưng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Nếu tăng huyết áp được kiểm soát tốt, sẽ làm giảm được 38% nguy cơ đột quỵ và giảm 40% nguy cơ tử vong gây ra do đột quỵ.
Bệnh tim
Đây được cho là nguy cơ quan trọng thứ hai sau cao huyết áp, bệnh lý tim nguy hiểm nhất liên quan đến đột quỵ là rung nhĩ. Rung nhĩ là tình trạng co bóp bất thường của tâm nhĩ trái. Ở bệnh nhân rung nhĩ, tâm nhĩ trái co bóp nhanh gấp nhiều lần so với các buồng tim còn lại. Điều này dẫn đến sự bất thường của dòng chảy trong cách mạch máu, tạo điều kiện thành lập các cục huyết khối trong buồng tim và nhanh chóng di chuyển đi nơi khác, có thể gây tắc nghẽn các mạch máu não.
Sử dụng thuốc kháng đông lâu dài có thể làm giảm 67% nguy cơ gây ra đột quỵ tái phát của rung nhĩ.
Tiểu đường
Khi bệnh nhân có bệnh tiểu đường, nguy cơ mắc phải đột quỵ sẽ tăng gấp 3 lần. Chế độ ăn phù hợp để tiết chế lượng đường trong máu, đồng thời sử dụng các thuốc điều chỉnh đường huyết có thể giúp người bệnh hạn chế tối đa các biến chứng của tiểu đường.
Tăng cholesterol trong máu
Tăng cholesterol trong máu có thể dẫn đến tình trạng tăng khả năng tạo thành các mảng xơ vữa. Kiểm soát tốt hàm lượng cholesterol trong máu bằng chế độ ăn thích hợp (kiêng mỡ, các loại dầu ăn và các thức ăn giàu cholesterol), tập thể dục thường xuyên và sử dụng các loại thuốc chuyên biệt có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ.
Ngưng hút thuốc lá
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ rất nguy hiểm của đột quỵ. Thuốc lá làm tăng thêm quá trình xơ vữa mạch máu và các chất gây đông máu (như fibrinogen). Việc ngưng hút thuốc lá có thể làm giảm rõ rệt nguy cơ đột quỵ tái phát.
Sử dụng thuốc ngừa thai
Các thuốc ngừa thai, đặc biệt những loại chứa hàm lượng estrogen cao, có khả năng làm tăng nguy cơ tạo huyết khối. Bệnh nhân có thể tham khảo với bác sĩ sản khoa để có cách thay đổi phương pháp ngừa thai khác nếu bệnh nhân có kèm theo các nguy cơ đột quỵ khác.
Giảm stress
Cuộc sống với nhiều áp lực thường xuyên làm tăng huyết áp và có thể dẫn đến đột quỵ. Biết giải tỏa các áp lực trong công việc, tạo một cuộc sống lành mạnh bên người thân và gia đình có thể là phương pháp giảm stress hữu hiệu nhất.
Thay đổi chế độ ăn
Chế độ ăn nhiều chất béo, cholesterol và muối có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Bác sĩ Mai Duy Tôn cũng đưa ra lời khuyên là các bệnh nhân cần tuân thủ chế độ ăn hợp lý như sau:
-Tránh ăn quá nhiều chất béo: Các chất béo, phủ tạng động vật, những đồ chiên xào nhiều dầu mỡ, có thể làm nặng thêm tình trạng xơ vữa động mạch.
-Ăn nhạt: ăn quá mặn có thể làm tăng huyết áp. Không sử dụng muối trên bàn ăn thêm vào thức ăn đã được chế biến.
-Hạn chế rượu bia: uống nhiều bia, rượu thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Nên hạn chế việc sử dụng các loại bia rượu, đặc biệt khi bệnh nhân có tình trạng tăng huyết áp kèm theo.
Giảm cân
-Tình trạng thừa cân, béo phì có liên quan đến các bệnh lý tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường và đột quỵ. Duy trì trọng lượng vừa phải bằng chế độ ăn hợp lý và tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ độ quy.