Cục máu đông xuất hiện gây đột quỵ não khiến cuộc sống bệnh nhân bị ảnh hưởng trầm trọng: Không thể đi lại, nhận thức suy giảm, mắt mờ, đau đầu dữ dội… Chỉ có phòng ngừa hoặc phá cục máu đông mới ngăn được các cơn đột quỵ não.
Đột quỵ não và các cục máu đông có mối liên hệ thế nào?
Như chúng ta đã biết, có một số yếu tố hình thành nên cục máu đông. Trong đó phải kể đến: Hút thuốc, bị thừa cân (trên 10 kg), không vận động cơ thể, sử dụng thuốc tránh thai, sử dụng estrogen… tất cả có thể dẫn tới sự hình thành các cục máu đông; Những người bị bệnh tim cũng có nguy cơ cao hình thành cục máu đông; Xơ vữa động mạch là một dạng phổ biến của tổn thương nội mô có thể dẫn đến huyết khối.
Theo nghiên cứu y khoa, các cơn đột quỵ do thiếu máu cục bộ xảy ra khi cục máu đông (còn gọi là huyết khối) chặn một động mạch cung cấp máu cho não. Khoảng 80% các cơn đột quỵ xảy ra do thiếu máu cục bộ. 20% trường hợp đột quỵ còn lại là xuất huyết, nơi động mạch vỡ.
Tất cả chúng ta đều có các yếu tố đông máu trong cơ thể. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong trường hợp có vết thương, cơ thể chúng ta không bị chảy máu liên tục dẫn đến nguy cơ tử vong. Đó là hiện tượng đông máu thông thường. Tuy nhiên, ở trường hợp khác, nếu bạn bị tăng huyết áp, xơ vữa động mạch và có một số vấn đề về máu khác thì cũng dẫn đến bất thường trong hiện tượng đông máu.
Huyết khối là tên gọi cho sự hình thành các cục máu đông. Khi cục máu đông chặn dòng máu tới tim hoặc não, cơn đau tim hoặc đột quỵ có thể xảy ra. Hiện tượng tắc nghẽn xảy ra khi cục máu đông di chuyển quanh cơ thể và nằm trong các cơ quan.
Chính bởi những nguy hiểm trên, việc nhận biết sớm cục máu đông sẽ giúp ngăn ngừa bệnh lý nguy hiểm như đột quỵ não. Theo Tạp chí Hiệp hội trái tim thế giới, các triệu chứng của cục máu đông phụ thuộc vào vị trí của nó trong cơ thể. Các triệu chứng của cục máu đông bao gồm:
- Trong não: Triệu chứng đầu tiên có thể xảy ra là đột qụy hoặc đột quỵ thiếu máu tạm thời. Một số biểu hiện của đột quỵ não là mất thị lực một bên mắt, gương mặt méo xệch, suy giảm khả năng nói, khó hiểu người khác, nhức đầu…
- Trong tim: Cục máu đông gây ra cơn đau tim với các triệu chứng như đau ngực bên trái dữ dội và thở dốc.
- Trong phổi: Cục máu đông gây ra đau ngực, nhịp tim tăng lên, bệnh nhân có thể ho ra máu, thở nhanh và sốt nhẹ.
- Ở chân tay: Cục máu đông sẽ gây đau, sưng tấy và biến màu của vùng bị ảnh hưởng. Nếu cục máu đông trong tĩnh mạch, sẽ gây ra hiện tượng sưng và đau.