Hiện nay tỉ lệ đột quỵ ở người trẻ ngày càng gia tăng. Rất nhiều đối tượng 9x nhập viện bởi căn bệnh này. PGS.TS Lương Tuấn Khanh, Giám đốc TT Phục hồi chức năng, BV Bạch Mai chia sẻ về tình trạng này trong hội nghị Phục hồi chức năng toàn quốc.
Người trẻ có nguy cơ đột quỵ cao khi đau đầu kéo dài
Đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não tại nước ta có xu hướng ngày càng trẻ hóa, với cả nam và nữ. Trong hội nghị Phục hồi chức năng toàn quốc, PGS.TS Lương Tuấn Khanh, Giám đốc TT Phục hồi chức năng, BV Bạch Mai chia sẻ.
PGS cho biết, trung tâm tiếp nhận và điều trị rất nhiều cho bệnh nhân dưới 30 tuổi bị đột quỵ, phần lớn là học sinh, sinh viên bị vỡ mạch máu não do dị dạng mạch.
Các trường hợp này đều do nguyên nhân phình mạch máu bẩm sinh, tổn thương nặng dần theo thời gian. Các dấu hiệu báo trước thường là đau đầu dai dẳng, kéo dài. Cơn đau có thể có từng đợt rồi hết nên thường người bệnh chủ quan bỏ qua.
“Rất may, với những chẩn đoán hình ảnh hiện đại có thể phát hiện sớm được điểm phình khi chụp CT não. Do đó, những bệnh nhân đau đầu dai dẳng không tìm được nguyên nhân được khuyến cáo chụp kiểm tra mạch não để phát hiện, can thiệp nút mạch sớm”, PGS Khanh khuyến cáo.
Ngoài nguyên nhân dị dạng mạch máu khiến tỉ lệ đột quỵ ở người trẻ gia tăng thì nguyên nhân chính vẫn là do các bệnh mạn tính như: tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiểu đường… Mà nguồn gốc của các bệnh lý này chủ yếu do lối sống hiện đại ngày nay gây ra như: lười vận động thể dục thể thao, làm việc quá sức, thường xuyên căng thẳng, sử dụng nhiều rượu bia, nghiện thuốc lá…
Số liệu thống kê mỗi năm lượng bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ tăng 2%, nam cao hơn nữ gấp 4 lần.
Biến chứng đột quỵ ở người trẻ
Đến 90% các ca đột quỵ ở người trẻ có biến chứng như liệt nửa người, bại não, rối loạn trí nhớ, biến chứng tâm lí, liệt toàn thân… Nặng nhất là nguy cơ tử vong.
“Ngay cả những trường hợp được cứu sống, chỉ có 20-25% hồi phục hoàn toàn, 50% phải phụ thuộc một phần vào người khác, 25% còn lại bị phụ thuộc hoàn toàn”, TS Khanh thông tin.
Do đó, điều quan trọng không chỉ là can thiệp cứu sống người bệnh mà bắt buộc phải phục hồi chức năng để cải thiện di chứng, giúp người bệnh hoà nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo TS Khanh, hiệu quả của việc điều trị phục hồi chức năng tuỳ thuộc nhiều yếu tố: độ tuổi, mức độ, vị trí cũng như sự liên tục.
“Như mẹ tôi bị xuất huyết não nhưng ở vị trí ít nghiêm trọng hơn nên sau 2 năm điều trị đã có thể đạp xe, đi chợ bình thường”, TS Khanh chia sẻ.