Theo thống kê của Hội Đột quỵ Mỹ, cứ 45 giây, trên thế giới lại có 1 người bị đột quỵ và cứ mỗi 3 phút lại có 1 người tử vong vì đột quỵ. Còn theo số liệu thống kê tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ não, 50% trong số đó tử vong. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra căn bệnh nguy hiểm này? Hãy cùng tìm hiểu ngay qua bài viết dưới đây!
Đâu là thủ phạm chính gây ra đột quỵ não?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật, đột quỵ não giết chết 130.000 người Mỹ mỗi năm. Và nhồi máu não là thủ phạm chính gây ra các cơn đột quỵ não (chiếm khoảng 80% trong tổng số các ca đột quỵ não), 20% là do xuất huyết não. Các con số thống kê cũng cho thấy rằng, nhồi máu não khiến cho 1/3 số người mắc bị tử vong và số còn lại thì để lại nhiều di chứng nặng nề vĩnh viễn. Nhồi máu não xảy ra khi một động mạch não bị hẹp hoặc tắc nghẽn do có cục máu đông, khiến cho một vùng não không được cung cấp máu kịp thời và chết đi. Tình trạng tắc nghẽn càng kéo dài, cản trở máu lưu thông lên não càng lâu thì sẽ khiến cho nhiều tế bào não thiếu oxy quá mức, dẫn đến chết não và ảnh hưởng đến các chức năng mà vùng não bị chết chi phối.
Biểu hiện ban đầu của những người mắc nhồi máu não, người bệnh sẽ cảm thấy chóng mặt, mất thăng bằng, đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân, thị lực kém, nói khó, liệt hẳn 1 bên tay chân hoặc nửa người...
Các đối tượng có nguy cơ cao mắc nhồi máu não thường là người bị tăng huyết áp, tiểu đường, xơ vữa động mạch, tăng lipid máu, tăng cholesterol máu, người béo phì và nghiện thuốc lá.
Việc điều trị nhồi máu não khác nhau tùy thuộc vào từng loại và mức độ nghiêm trọng. Thuốc tan huyết khối thường được sử dụng trong điều trị nhồi máu não. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, bệnh nhân có cơ hội sống sót và hồi phục tốt hơn nếu dùng thuốc tan huyết khối trong vòng 12 giờ sau khi xảy ra cơn đột quỵ. Hầu hết các bệnh nhân đều được dùng các loại thuốc này trong vòng 90 phút kể từ khi đến bệnh viện. Đối với những người không thể dung nạp được thuốc tan huyết khối, các thiết bị cơ học sẽ được áp dụng để loại bỏ cục máu đông và khôi phục sự lưu thông của dòng máu. Một can thiệp khác cho nhồi máu não là đưa ống thông vào động mạch đùi để loại bỏ huyết khối gây tắc nghẽn mạch máu não.
Sau khi đã được điều trị qua cơn nguy kịch, người bệnh sẽ được sử dụng thuốc để điều trị các bệnh lý mắc kèm, khắc phục di chứng sau đột quỵ não và tập phục hồi chức năng.
Có giải pháp nào phòng ngừa được đột quỵ não không?
Đột quỵ não nếu không có hướng xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng vô cùng nặng nề. Do vậy, việc ngăn ngừa sự hình thành của cục máu đông là biện pháp hàng đầu giúp ngăn ngừa đột quỵ não. Duy trì một nếp sống khoa học, hợp lý trong sinh hoạt yếu tố hàng đầu để ngăn chặn đột quỵ não, cụ thể như sau:
- Vận động nhiều hơn: Ngồi lâu, ít vận động chính là nguyên nhân khiến cho tuần hoàn máu kém, dễ dẫn đến hình thành cục máu đông. Vì vậy, đừng ngồi lỳ một chỗ, hãy đứng dậy, vận động thường xuyên và luyện tập thể dục thể thao hàng ngày để giúp tăng cường tuần hoàn máu, ngăn ngừa cục máu đông. Theo các nhà khoa học, sau mỗi giờ ngồi 1 chỗ làm việc, bạn nên đứng lên vận động 10 phút, ngoài ra, cần thường xuyên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Ngừng hút thuốc lá và hạn chế bia rượu giúp ngăn chặn việc hình thành các cục máu đông.
- Điều trị triệt để các bệnh lý nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường, xơ vữa động mạch, tăng lipid máu, tăng cholesterol máu.