Chúng ta luôn mặc định chỉ những trường hợp bị tăng huyết áp, mỡ máu cao, tiểu đường, bệnh lí tim mạch, thiếu máu não, stress… mới có nguy cơ mắc đột quỵ não. Thực tế con người phải đối diện với rất nhiều nguy cơ khác nhau dẫn đến đột quỵ mà chúng ta không ngờ tới như: hóa chất, môi trường ô nhiễm, thức ăn không đảm bảo…
Nguy cơ đột quỵ từ hóa chất chống dính
Nghiên cứu công bố tháng 9 năm 2012 chỉ ra rằng: các hóa chất chống cặn bám, hóa chất chống dính, hóa chất chứa acid perfluorooctanoic… có ảnh hưởng tới sức khỏe rất nhiều, đặc biệt với bệnh hiếm muộn, mỡ máu cao, tình trạng tăng động ở trẻ nhỏ, bệnh lí tim mạch, bệnh đột quỵ… Các nhà nghiên cứu tìm thấy lượng hóa chất trên trong máu của người có bệnh tim mạch cao gấp đôi so với những người có lượng hóa chất chống dính trong máu thấp. Qua nghiên cứu các nhà khoa học khuyến cáo nên thay thế các vật dụng chống dính, đồ làm bếp, đồ nấu ăn bằng thép không gỉ hay thủy tinh. Loại bỏ hoặc tránh các loại vải, sơn, thảm… có dán nhãn chống bám bẩn.
Thực phẩm đóng hộp
Ngoài hóa chất chống dính, muối, thực phẩm đóng hộp còn chứa Bisphenol A hay BPA, một hóa chất khét tiếng độc hại gây rối loạn hoóc-môn nghiêm trọng. Và chất này có liên hệ với bệnh ung thư vú, chứng rối loạn giận dữ ở trẻ em gái, béo phì và hiếm muộn.
Bệnh tim mạch hiện đã được bổ sung vào danh sách này, thậm chí, chỉ một lượng cực nhỏ BPA cũng đủ gây rối loạn nhịp tim - chứng bệnh có thể dẫn đến tử vong.
Để phòng tránh, hãy thay thế thực phẩm đóng hộp bằng thức ăn tươi hoặc đông lạnh. Khi mua hàng, tránh nhận hóa đơn nếu số lượng hàng hóa không đáng kể bởi hóa đơn nhiệt, loại hóa đơn phổ biến nhất hiện nay được phủ trên bề mặt một lớp BPA có thể thẩm thấu qua da.
Thay thế đồ đựng thức ăn hay nước uống bằng thủy tinh hay kim loại không gỉ, tuyệt đối không sử dụng đồ nhựa trong lò vi sóng. Do một số loại nhựa có thể chứa BPA và nhiệt độ cao sẽ khiến thức ăn bị nhiễm chất này.
Hải sản
Nghiên cứu của trường Đại học Syracuse ở New York, Mỹ chỉ ra những bằng chứng cho thấy không phải tất cả các loại hải sản đều tốt cho sức khỏe. Một số loại cá nhiễm thủy ngân khi ăn vào không tốt cho tim mạch, nguy cơ đột quỵ cũng từ đó mà tăng lên.
Không chỉ có cá ở vùng biển ô nhiễm có hàm lượng thủy ngân cao mà cá nước ngọt ở các hồ, sông ô nhiễm cũng có hàm lượng thủy ngân cao. Việc lựa chọn thực phẩm sạch trong đó có cá thực sự là lo ngại của nhiều người.
Biến đổi khí hậu
Khí hậu ảnh hưởng đến sức khỏe là điều mà hầu hết cá nhân nào cũng cảm nhận được. Với bệnh đột quỵ nó còn khiến bệnh gia tăng và nặng thêm. Khi trái đất nóng lên kéo theo một loạt vấn đề về sức khỏe bị ảnh hưởng trong đó có nhồi máu cơ tim. Khi nhiệt lượng dư thừa sẽ hình thành các hạt nhỏ li ti trong không khí với tên PM2.5. Các hạt nhỏ này xâm nhập qua phổi vào cơ thể và đi vào máu, góp phần đẩy nhanh tình trạng xơ vữa - thủ phạm của tăng huyết áp, tạo huyết khối, nhồi máu cơ tim và nguy cơ đột quỵ
Giao thông ùn tắc
Tại Đức, một nghiên cứu được tiến hành để khám phá ra mối liên hệ giữa ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí có nguy cơ gây đột quỵ. Các bệnh nhân tham gia nghiên cứu đã có cuộc phỏng vấn sau khi thoát khỏi tử vong bởi đột quỵ. Nguy cơ đột quỵ của người thường xuyên bị tắc đường cao hơn người không gặp tình trạng giao thông tắc nghẽn gấp hơn 3 lần. Lí giải cho tình trạng này là do người bị tắc đường phải hít và tiếp xúc với khí thải của nhiều phương tiện giao thông.