Một số người có quan niệm rằng mùa đông hay thời tiết lạnh mới là “mùa đột quỵ” do có nhiều trường hợp đột quỵ xảy ra. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, đột quỵ không chọn mùa, nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở cả người trẻ tuổi và người cao tuổi. Đây là một bệnh lý nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao nên bản thân người có nguy cơ và người thân của họ cần hết sức cảnh giác.
Vì sao bị đột quỵ?
Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong cao sau bệnh về tim mạch và ung thư. Đây là hiện tượng ngừng trệ đột ngột dòng máu cung cấp cho não gây tổn thương cấp tính vùng não thiếu máu. Sự ngưng trệ đột ngột máu cung cấp cho não (hoặc thiếu hoặc mất hẳn) tức là ngưng trệ cung cấp ôxy và các chất dinh dưỡng cho vùng não thiếu máu đó sẽ dẫn đến tế bào não bị hoại tử (chết) chỉ sau một thời gian ngắn.
Sự thiếu máu nuôi dưỡng một vùng não có thể do bị chèn ép bởi cục máu đông (do tổn thương tim) hoặc do vỡ mạch máu não gây xuất huyết não (tăng huyết áp kịch phát, xơ vữa động mạch,…). Ngoài ra cũng có thể gặp đột quỵ do rối loạn đông máu hoặc ở người bệnh đang dùng thuốc điều trị chống đông máu, người bệnh tăng huyết áp.
Khi bị đột quỵ, tùy theo nguyên nhân, mức độ xảy ra của bệnh mà có thể gây tử vong ngay cho người bệnh hoặc để lại một số di chứng như liệt nửa người, giảm ý thức, loét da, viêm phổi, trầm cảm, co cứng, táo bón...
Cần làm gì khi người thân bị đột quỵ và biện pháp phòng bệnh?
Cần khẩn trương cho người bệnh đi cấp cứu ngay. Chỉ cần có một trong các dấu hiệu cảnh báo bị đột quỵ là phải hết sức khẩn trương gọi xe cấp cứu ngay không được chần chừ, cũng không chờ đợi xem còn dấu hiệu nào xuất hiện nữa hay không. Cấp cứu càng sớm càng tốt bởi vì nếu xử trí trước 2 giờ, tối thiểu trước 6 giờ thì khả năng cứu sống người bệnh rất cao và ít để lại di chứng; nếu muộn hơn thì nguy cơ diễn biến phức tạp luôn luôn có thể xảy ra. Trong khi chờ xe cấp cứu đến thì nên cho người bệnh nằm yên tĩnh, nghiêng đầu sang một bên ngay cả khi có triệu chứng co giật. Để tránh người bệnh cắn lưỡi cần cho một chiếc đũa hoặc cán thìa có quấn vải vào giữa 2 hàm răng.
Phòng bệnh đột quỵ là phải phòng từ xa có nghĩa cần được khám sức khỏe định kỳ theo lời dặn của bác sĩ. Khi có bệnh về tim mạch cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ, không tự ngưng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Khi có bệnh tăng huyết áp hoặc rối loạn mỡ máu hoặc bị đái tháo đường cần kiểm tra huyết áp, mỡ máu và đường máu theo lời dặn của bác sĩ. Tuyệt đối không tự mua thuốc hoặc dùng đơn thuốc của bệnh nhân khác mua thuốc cho mình.
Nếu nghiện thuốc lá, thuốc lào thì cần hạn chế, tốt nhất là bỏ hẳn. Những người có bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường không nên uống bia, rượu. Nên tăng cường uống nước cam, chanh và quả tươi. Nên tập thể dục thể thao các bài tập nhẹ nhàng hợp với sức khỏe của mình trong điều kiện thời tiết thích hợp. Nếu là trời nắng, nóng không nên tập thể dục, chơi thể thao khi mặt trời đã lên cao, nhiệt độ ngoài trời đã tăng. Bên cạnh đó cần chú ý uống đủ nước, ăn đủ chất, đặc biệt đối với những người mắc bệnh mạn tính không nên kiêng khem quá mức vì có thể dẫn đến suy dinh dưỡng.
“Đột quỵ ngày thứ Hai”
Điều tra dịch tễ cho thấy, trên thế giới, mỗi năm có khoảng 5 triệu người bị đột quỵ (tai biến mạch máu não). Ở Việt Nam, con số được thống kê bình quân hằng năm là khoảng 200.000 người. Đột quỵ là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu và là cấp cứu thường gặp nhất trong chuyên khoa thần kinh. Trong số những người bị đột quỵ thì có khoảng 20% tử vong trong vòng 1 tháng, 5 - 10% trong vòng 1 năm.
Khoảng 10% hồi phục không di chứng, 25-30% tự đi lại phục vụ bản thân được, 20-25% đi lại khó khăn, cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt, 15-25% dựa vào sự phục vụ hoàn toàn của người khác. Người bị đột quỵ có tiên lượng xấu nếu có các triệu chứng: giảm ý thức, tăng tiết đờm dãi, sốt cao ngay từ ngày đầu nên đối với người bị đột quỵ thời gian là vàng, mạch máu đông hoặc vỡ phải được xử lý thật nhanh để đề phòng các biến chứng như liệt toàn thân, bại não.
Một nghiên cứu thú vị đăng trên tạp chí Stroke của Hiệp hội Tim mạch Mỹ còn cho rằng, có quy luật thời gian về sự dao động trong nguy cơ đột quỵ. Theo đó, số cơn đột quỵ vào các ngày Chủ nhật giảm 14% so với mức trung bình của các ngày trong tuần, trong khi đó, tỷ lệ này tăng 18% vào ngày thứ Hai. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho biết hiện tượng “đột quỵ ngày thứ Hai” lại không xảy ra ở nhóm có địa vị kinh tế xã hội cao.
Nhận biết đột quỵ
Khi bị đột ngột đau đầu dữ dội, choáng váng, mất tri giác hoặc ngủ gà hoặc hôn mê mà gọi, hỏi không biết gì (trường hợp nặng do xuất huyết não nhiều hoặc bị chèn ép làm tắc nghẽn mạch máu nuôi dưỡng một vùng não) thì đó là những dấu hiệu báo trước hoặc là triệu chứng của đột quỵ. Hoặc kèm theo có đột ngột tê tay, chân cùng bên hoặc tay chân khó cử động; nói khó, ngọng, phát âm không rõ; một bên mắt nhắm không kín, nhìn đôi, nhìn mờ, nhòe; miệng méo; nhân trung lệch; có thể rối loạn tiểu tiện (tiểu không tự chủ hoặc bí tiểu).
Ngoài ra có thể gặp một số dấu hiệu khác kèm theo như mất thăng bằng, buồn nôn hoặc nôn. Các triệu chứng này có thể tăng dần làm cho bệnh cảnh càng trầm trọng. Thống kê cho thấy, nguy cơ tử vong ở những người đột quỵ không phát hiện sớm và không xử trí kịp thời có thể chiếm tỷ lệ rất cao (90%), và một tỷ lệ thấp có thể qua khỏi nhưng phải chịu di chứng nặng nề hoặc liệt, mọi sinh hoạt không tự chủ, không nói được, lú lẫn... Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp các triệu chứng chỉ xảy ra trong vòng vài ba phút rồi trở lại bình thường. Trong trường hợp này được gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua.