Có lẽ, thỉnh thoảng ở đâu đó, chúng ta cũng đã từng nghe đến những câu chuyện như anh nọ, chị kia hoặc những người mà bạn quen biết đang tắm thì đột nhiên chóng mặt, ngất xỉu, nặng hơn là đột tử khi tắm. Để lý giải cho nguyên nhân gây nên tình trạng này, chúng ta chỉ đưa ra kết luận có lẽ do “cảm”, “trúng gió” hay có người hiểu biết hơn thì cho rằng đó là “đột quỵ não”. Vậy trúng gió và đột quỵ não có phải là một hhay không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này nhé!
Đột quỵ não và trúng gió có phải cùng là một bệnh?
Trước tiên, cần phải khẳng định, đột quỵ não và trúng gió không phải là cùng một bệnh. Đây là 2 bệnh lý khác nhau, việc chẩn đoán nhầm giữa đột quỵ não và trúng gió, cùng với điều trị sai có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng người bệnh. Trước tiên, để phân biệt được 2 bệnh lý này chúng ta sẽ đi vào từng điểm khác nhau của 2 bệnh lý này:
- Khái niệm:
+ Trúng gió hay còn được gọi là trúng phong là tình trạng người bệnh bị nhiễm lạnh, cảm cúm do thời tiết như nắng, gió, trời lạnh, sương giá,… tác động vào cơ thể. Người bệnh có các biểu hiện ớn lạnh, nhức đầu, chóng mặt, chảy nước mũi, trường hợp nặng có thể dẫn tới hôn mê, tay chân rất lạnh, co cứng…
+ Đột quỵ não (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) là tình trạng dòng máu đến não đột ngột bị gián đoạn do tắc nghẽn hoặc vỡ mạch máu não, làm chết các tế bào não không được cung cấp dinh dưỡng và oxy kịp thời. Biểu hiện của tình trạng này là người bệnh bị nói ngọng, khó nói, cấm khẩu, nhức đầu, mất trí nhớ, hôn mê, thậm chí tử vong.
- Triệu chứng
Triệu chứng của đột quỵ não và trúng gió có nhiều điểm tương đồng như nhức đầu, chóng mắt, xây xẩm mặt mày, méo miệng, liệt nửa người. Chính vì những điểm tương đồng này mà dẫn đến nhiều người nhầm lẫn “trúng gió” và “đột quỵ não”, từ đó có hướng xử trí sai lầm, gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc. Tuy nhiên, vẫn có những điểm khác nhau sau mà bạn cần chú ý:
+ Các triệu chứng của trúng gió thường đến chậm, người bị trúng gió hay có cảm giác vùng cổ vai tê cứng, méo miệng, chân tay tê run, liệt nửa người, nhưng vẫn minh mẫn, nhận biết được, rất hiếm khi bị hôn mê.
+ Các triệu chứng của đột quỵ thường xảy ra nhanh với các triệu chứng rõ rệt, nặng nề hơn như: Đột nhiên tê liệt nửa người, rối loạn vận động, đi lại không vững, không chỉ đạo được hoạt động của cơ thể, không tự giơ tay hoặc chân, cấm khẩu hoặc nói không rõ, có thể mất nhận thức hoặc hôn mê.
- Phương pháp điều trị
+ Đối với các trường hợp trúng gió, chỉ cần dùng phương pháp cạo gió hay đánh gió bằng dầu nóng, xông nước lá. Sau đó, cho người bệnh uống nước gừng nóng và nước cam, chanh là các triệu chứng cũng giảm dần.
+ Đối với các trường hợp bị đột quỵ não, cần phải được cấp cứu và chăm sóc kịp thời nếu trong vòng 3 giờ đầu kể từ khi xuất hiện các biểu hiện của đột quỵ não. Nếu người bệnh không được điều trị đúng cách thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Các triệu chứng của trúng gió và đột quỵ não có nhiều điểm tương đồng nhưng nếu không được điều trị đúng cách sẽ để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Chính vì vậy, khi thấy người bệnh có những biểu hiện như trên thì cần đặt bệnh nhân nằm nghỉ trên giường, đầu nâng cao nhẹ, nên nằm nghiêng và gọi ngay xe cấp cứu để đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất. Tuyệt đối không tự điều trị khi chưa biết chắc chắn đó là biểu hiện của bệnh lý nào. Hãy nhớ rằng, thời gian chính là mạng sống của người mắc đột quỵ não, trong vòng 3 giờ đầu, nếu được cấp cứu kịp thời bệnh nhân sẽ bảo toàn được mạng sống và hạn chế di chứng nặng nề sau này.
Đột quỵ não có phòng ngừa được không?
Đột quỵ não có phòng ngừa được không là câu hỏi mà rất nhiều người bệnh quan tâm và điều đáng mừng là đột quỵ não hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu bạn tuân thủ hướng dẫn sau:
- Ngừng hút thuốc lá: Thuốc lá là yếu tố nguy cơ chính của đột quỵ não, hút thuốc lá nhiều làm bạn có thể mắc đột quỵ não khi còn rất trẻ.
- Kiểm soát huyết áp tốt, duy trì huyết áp tối ưu 120/80 mmHg, tránh căng thẳng, stress, cảm xúc bất lợi như: Vui quá, buồn rầu, thất vọng, cáu gắt,…
- Giảm chất béo có nguồn gốc động vật, nên ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi, tránh béo phì.
- Tăng cường hoạt động thể lực hàng ngày, tập thể dục đều đặn, phù hợp với thể lực mỗi ngày ít nhất 30 phút.