Nếu bất ngờ thấy không thể vận động tay chân vì bị tê cứng, bạn hãy đi khám ngay để được cấp cứu kịp thời vì có thể đây là dấu hiệu một cơn tai biến sắp tấn công bạn. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết các dấu hiệu của cơn tai biến trong nội dung bài viết sau đây.

Bệnh tai biến là gì?

Tai biến mạch máu não (hay còn gọi là đột quỵ não) là tình trạng xảy ra khi một phần não không được cung cấp oxy và máu, làm cho các tế bào bị chết đi. Bệnh nhân có thể bị gặp nhiều di chứng như liệt, hôn mê, thậm chí tử vong tùy thuộc vào diện tích não bị ảnh hưởng và mức độ trầm trọng của tổn thương. Vì vậy, nhận biết sớm và xử lý kịp thời các dấu hiệu của cơn tai biến là vô cùng quan trọng.

Có 2 dạng tai biến thường gặp

- Dạng thứ nhất là do thiếu máu cục bộ: Bệnh thường gặp sau một cơn đau hoặc cục máu đông có thể hình thành trong các mạch máu não.

- Dạng thứ hai là do xuất huyết não: Xảy ra do một mạch máu não bị vỡ, kết quả là máu thấm vào mô não, gây tổn thương cho các tế bào não.

Không thể vận động tay chân vì bị tê cứng – Dấu hiệu cảnh báo tai biến không thể bỏ qua

Nhiều bệnh nhân cho biết, trước khi nhập viện cấp cứu, họ đột nhiên thấy không thể vận động cánh tay và một bên chân vì bị tê cứng. Có người bị cánh tay trái hoặc chân trái, có người lại bị tê cứng nửa người. Đi kèm với các dấu hiệu này là tình trạng mặt méo xệch; miệng ú ớ, nói ngọng, không rõ tiếng; mắt nhìn mờ một bên hoặc cả hai bên.

Dấu hiệu của người bị tai biến là gì?

Cùng điểm qua các dấu hiệu phổ biến của người bị tai biến mạch máu não qua chữ cái viết tắt F.A.S.T:

F: Mặt rủ xuống: Khi quan sát thấy gương mặt người bệnh rủ xuống, bạn hãy yêu cầu họ mỉm cười, xem một bên mặt có bị lệch hay không. Một bên của khuôn mặt cũng có thể bị tê liệt, và nụ cười sẽ không cân đối.

A: Điểm yếu của cánh tay: Bạn hãy yêu cầu người bệnh giơ cả hai tay lên. Theo dõi người bệnh xem có điểm yếu hay tê ở một bên cánh tay không? Nếu một cánh tay rơi xuống, chứng tỏ người đó đã bị tê liệt. Đây cũng là một dấu hiệu quan trọng của người bị tai biến.

S: Khó nói: Những người bị tai biến sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi gọi, hay nói điều gì đó với người nhà. Tiếng nói của họ có thể chỉ là câu ú ớ, không rõ âm, rõ tiếng. Bệnh nhân khó diễn đạt ý muốn cho người đối diện biết. Vì vậy, bạn hãy yêu cầu người bệnh lặp lại một câu đơn giản.

T: Thời gian: là yếu tố quan trọng nhất với người bị tai biến. Hãy gọi cấp cứu ngay lập tức sau khi quan sát thấy các dấu hiệu của bệnh. Người bị tai biến chỉ được ngăn chặn nguy cơ tử vong hoặc di chứng tàn tật nặng nề nếu được cấp cứu trong vòng 3 giờ đầu, sau khi có triệu chứng.

Khi cơn tai biến xảy ra, hầu hết bệnh nhân đều bị tình trạng tê cứng cánh tay hoặc một bên chân.

Khi cơn tai biến xảy ra, người bệnh cần được cấp cứu đúng cách, đúng “giờ vàng” để tránh những biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Các bác sĩ luôn khuyên rằng, cần đưa người bị tai biến vào cấp cứu càng sớm càng tốt. Khoảng thời gian 3 giờ sau khi người bệnh gặp cơn tai biến, bắt buộc phải có sự hỗ trợ của các chuyên gia y tế để xử lý kịp thời. Tuy nhiên, chưa nhiều người nắm được khung “giờ vàng” này để cấp cứu cho bệnh nhân.

Trong thời gian chờ xe cấp cứu đến, người nhà cần chú ý các bước sơ cứu quan trọng để hỗ trợ bệnh nhân như sau:

1. Đánh giá mức độ tỉnh táo của bệnh nhân: Nếu bệnh nhân bất tỉnh nhưng vẫn thở bình thường, hãy đặt bệnh nhân nằm ở chỗ thoải mái nhất để chờ sự hỗ trợ từ nhân viên y tế.

2. Gọi xe cấp cứu: Điều quan trọng là bệnh nhân được mọi người xung quanh nhận biết sớm những dấu hiệu ban đầu của cơn tai biến, để gọi xe kịp thời, giúp ngăn chặn các di chứng có thể xảy ra.

3. Chăm sóc bệnh nhân có ý thức: Với bệnh nhân vẫn còn tỉnh táo, đưa họ vào vị trí thoải mái nhất, có thể đắp chăn mỏng để tránh sự mất nhiệt.

4. Theo dõi bệnh nhân: Trong khi đợi xe cứu thương đến nơi, cần quan sát bệnh nhân chặt chẽ, ghi nhớ các triệu chứng thay đổi của họ để thông báo khi nhân viên y tế đến.

Những điều cần lưu ý để phòng ngừa tai biến

1. Huyết áp cao

Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây ra các cơn tai biến. Theo Gareth Beevers, Giáo sư y khoa tại Đại học Birmingham: “Huyết áp cao là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất đối với cơn tai biến. Trên thực tế, khi thuốc hạ huyết áp trở nên phổ biến trong những năm 1960, số ca bệnh tai biến giảm đáng kể”.

Mọi người nên kiểm tra chỉ số huyết áp thường xuyên. Đây là chìa khóa để phát hiện sớm và điều trị bệnh tăng huyết áp, tránh tình trạng phát triển âm thầm trong nhiều năm, trước khi các triệu chứng đầu tiên trở nên rõ ràng.

2. Bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra các cơn tai biến. Chính vì vậy, những người mắc bệnh tiểu đường cần kiểm soát tốt tình trạng bệnh, để tránh cơn tai biến tấn công bất cứ lúc nào.

3. Bệnh tim

Những người có các van tim bị khuyết tật cũng như rung tâm nhĩ hoặc nhịp tim không đều, gây ra ¼ số cơn tai biến ở người già. Bạn cũng có thể bị tắc động mạch từ chất béo lắng đọng.

4. Rối loạn mỡ máu

Rối loạn mỡ máu là tình trạng nồng độ chất béo trong máu quá cao hay quá thấp. Đây cũng là một trong những nguy cơ dẫn đến cơn tai biến mạch máu não. Hãy đi khám để biết bạn có rơi vào tình trạng này hay không, từ đó tìm kiếm giải pháp phòng ngừa sớm các cơn tai biến.

5. Thừa cân, béo phì

Nguy cơ mắc tai biến sẽ tăng lên nếu bạn bị thừa cân. Bạn có thể giảm nguy cơ này bằng cách xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh và trái cây.

6. Tập thể dục

Những người ít vận động thường có nguy cơ cao bị tai biến. Do đó, hãy thường xuyên tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày để ngăn ngừa nguy cơ tai biến.

7. Hút thuốc lá

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hút thuốc lá có nguy cơ gây ra bệnh về tim và mạch máu, trong đó có tai biến mạch máu não. Vì thế, hãy bỏ thuốc lá để giữ gìn sức khỏe cho bạn và những người xung quanh.

8. Uống rượu quá nhiều

Tránh sử dụng các chất kích thích, đặc biệt là uống quá nhiều rượu bia. Vì đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cơn tai biến.

9. Tuổi tác

Bất cứ ai cũng có thể bị tai biến mạch máu não, ngay cả trẻ sơ sinh. Nhìn chung, nguy cơ mắc tai biến của mỗi người ngày càng tăng lên khi chúng ta già đi. Cụ thể, nó sẽ tăng gấp đôi sau mỗi thập niên và sau 55 tuổi.

10. Gia đình

Bệnh tai biến mạch máu não có thể di truyền trong gia đình. Đặc biệt, một số cơn tai biến có thể xảy ra bởi rối loạn di truyền, ngăn chặn lưu lượng máu đến não.