Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 6 người thì có 1 người tiểm ẩn nguy cơ bị đột quỵ, số người chết đã tăng lên đứng hàng thứ hai trong top các căn bệnh có nguy cơ tử vong hàng đầu. Tại khoa Thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy, cứ 650 người nhập viện thì có 400 người bị đột quỵ. Cả nước hàng năm có khoảng 200.000 người bị tình trạng này, khoảng 50% số họ tử vong. Còn những bệnh nhân may mắn sống sót thì có hơn 90% mắc di chứng về vận động như liệt nửa người, giảm trí nhớ, mất khả năng đọc viết... Hãy tìm hiểu ngay bài viết sau để biết được bản thân hay người nhà có phải là đối tượng có nguy cơ cao mắc đột quỵ, để phòng ngừa sớm căn bệnh này!

Nguyên nhân gây ra đột quỵ là gì?

Theo Stroke American Association (ASA), đột quỵ có thể được phân thành 2 loại chính:

• 87% đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Xảy ra khi động mạch não bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn, gây suy giảm nghiêm trọng lưu lượng máu đến các tế bào não (hoặc do tắc nghẽn tĩnh mạch).

• 13% đột quỵ do xuất huyết, vì nguyên nhân rò rỉ hay vỡ một động mạch. Xảy ra khi mạch máu cung cấp cho não bị vỡ và chảy máu. Khi một động mạch chảy máu vào não, các tế bào não và các mô không nhận được oxy và chất dinh dưỡng. Ngoài ra áp lực tích tụ trong các mô xung quanh và các kích ứng gây sự tổn thương trầm trọng hơn cho não bộ.  Khoảng 13% đột quỵ là do xuất huyết (10 % xuất huyết trong não, 3% xuất huyết dưới nhện).

Bên cạnh đó, một số người có thể bị gián đoạn tuần hoàn não tạm thời do các cơn thiếu máu thoáng qua (TIA).

Những đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh đột quỵ cao?

Đột quỵ có thể xuất hiện ở bất kì ai và ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, những nhóm đối tượng dưới đây có nguy cơ mắc bệnh đột quỵ cao hơn cả mà chúng ta cần đặc biệt chú ý:

1.     Người cao tuổi bệnh tim mạch: Đối với những người trên 55 tuổi có nhiều khả năng bị đột quỵ. Do ở người cao tuổi mọi chức năng sinh lý hầu hết đều đã thuyên giảm, đặc biệt người cao tuổi còn có nguy cơ mắc một số bệnh lý mạn tính như , tiểu đường, béo phì, bệnh rối loạn chuyển hóa… – đây là những nguyên nhân hàng đầu gây ra đột quỵ.

2.     Người bị tăng huyết áp: Huyết áp được coi là cao nếu chỉ số huyết áp luôn bằng hoặc trên 140/90 mmHg trong một khoảng thời gian dài hoặc thường xuyên. Khi bạn gặp vấn đề về tăng huyết áp có thể tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, do gây tăng áp lực thường xuyên của dòng máu lên thành mạch và gây tổn thương, làm thành mạch dày lên và trở nên cứng hơn tạo thành các mảng xơ vữa động mạch.
3.     Người bị mỡ máu, thừa cân: Với chế độ ăn uống không lành mạnh, ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất béo và cholesterol từ động vật, thức ăn nhanh, hay nhậu nhẹt thường xuyên sẽ khiến động mạch dần bị chít hẹp dần từ đó sẽ gây ra rào cản khiến máu khó lưu thông được đến tim và não, làm tăng nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch.

Bên cạnh đó, tình trạng thừa cân và béo phì là nguyên nhân gây các bệnh về tăng huyết áp, đái tháo đường và rối loạn lipid máu.

 4.     Người hút thuốc lá hoặc phải thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc: Hút thuốc lá được xem là nguyên nhân gây bệnh xơ vữa động mạch, ung thư phổi…, không chỉ ở người chủ động hút trực tiếp mà ngay cả người tiếp xúc với khói thuốc thụ động thường xuyên sẽ làm thắt chặt các mạch máu, tăng nồng độ cholesterol, và gây tăng huyết áp. Không những thế khói thuốc lá còn làm giảm lượng oxy trong máu khiến việc nuôi các tế bào càng bị giảm sút.

5.     Người có tiền sử gia đình bị mắc bệnh tim mạch và đột quỵ: Nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch tăng lên nếu như trong gia đình bạn có người mắc phải, nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy người có yếu tố di truyền bị mắc bệnh tim mạch sớm (trước 55 tuổi) sẽ có nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch vành cao hơn người khác, tương tự với những người có tiền sử người trong gia đình bị nhồi máu cơ tim hoặc bị cơn thiếu máu não thoáng qua.

Cần làm gì để phòng đột quỵ não?

Khi đã bị đột quỵ thì việc điều trị vô cùng khó khăn, phức tạp. Mặt khác, việc phục hồi chức năng cũng là một quá trình tập luyện lâu dài, cần kiên trì nhưng chưa chắc sẽ có những tiến triển tích cực cho bệnh nhân. Do đó, tầm soát sớm để ngăn chặn nguy cơ là cách để bảo vệ cơ thể trước nguy cơ đột quỵ hữu hiệu nhất.

Mỗi người cần đi khám định kỳ để tầm soát chỉ số huyết áp, đường huyết và các thành phần mỡ máu. Các bác sĩ dựa vào đó sẽ kịp thời phát hiện và ngăn chặn tận gốc những yếu tố nguy cơ. Đồng thời, chúng ta cần thay đổi lối sống, cách ăn uống khoa học, tránh ăn nhiều chất béo để giảm cholesterol trong máu và giảm huyết áp. Không nên hút thuốc lá, lạm dụng rượu, bia và tích cực vận động thể lực để cải thiện thể trạng toàn diện hơn.