Huyết áp cao và tiểu đường là 2 trong số nhiều nguyên nhân gây đột quỵ não. Nếu một người bị đồng thời cùng 2 bệnh này thì nguy cơ đột quỵ cao gấp nhiều lần người bình thường. Vậy biện pháp nào ngăn ngừa đột quỵ ở người bị huyết áp cao và tiểu đường. Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta có câu trả lời.
Đột quỵ não – căn bệnh đặc biệt nguy hiểm
Đột quỵ não – căn bệnh mà mỗi khi nhắc tới, người ta không khỏi hoang mang bởi mức độ nguy hiểm của nó. Và những cụm từ như “dễ dẫn đến tử vong”, “để lại hậu quả nặng nề”,… chưa khi nào thôi gắn liền với căn bệnh này. Nguyên nhân dẫn tới đột quỵ não có nhiều, song yếu tố nguy cơ hàng đầu phải kể đến “2 kẻ thù thầm lặng”: tiểu đường và tăng huyết áp. Chúng có mối liên quan với nhau và ngày càng phổ biến ở những nước phát triển nói chung cũng như ở Việt Nam nói riêng. Trong đó, tăng huyết áp là một yếu tố làm tăng mức độ nặng của đái tháo đường, ngược lại đái tháo đường khiến huyết áp tăng nhanh và không ổn định. Tăng huyết áp có thể xuất hiện trước khi bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường hoặc được phát hiện cùng với đái tháo đường, làm bệnh trở nên khó điều trị hơn. Bệnh làm tăng áp lực đột ngột lên thành mạch, làm mạch máu bị tổn thương và có thể gây xuất huyết. Từ đó, tạo điều kiện hình thành cục máu đông, gây tắc mạch máu, dẫn đến đột quỵ nhồi máu não. Theo thống kê cho thấy, nguy cơ đột quỵ não ở người tiểu đường cao gấp 2 – 4 lần; ở người bị tăng huyết áp (trên 140/90 mmHg) cao gấp 3 – 4 lần so với người bình thường.
Đột quỵ não nguy hiểm bởi những hệ lụy mà nó gây ra cho người bệnh song một phần cũng do bệnh đến đột ngột khiến chúng ta không kịp tỉnh táo để xử lý. Tuy nhiên, đột quỵ não vẫn có những dấu hiệu nhận biết sớm như đột ngột đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân, giảm thị lực, yếu hoặc liệt một bên tay, chân, nói ngọng, kèm theo buồn nôn, chóng mặt, ù tai… Vì vậy, đối với những người có nguy cơ mắc đột quỵ nói chung và những người bị tiểu đường, tăng huyết áp nói riêng, người nhà cần hết sức quan tâm, chăm sóc để ý những dấu hiệu bất thường xảy đến. Bởi nhiều khi một vài biểu hiện là cũng “báo hiệu” căn bệnh nguy hiểm đang ập tới. Nếu xử lý kịp thời sẽ hạn chế được rất nhiều hậu quả cho người bệnh.
Đột quỵ não – căn bệnh cần phòng nhiều hơn chữa
Có thể thấy, trong một số trường hợp đột quỵ não có thể kiểm soát được nhưng nói như thế không có nghĩa là chờ bệnh đến thì mới “giải quyết” mà ngược lại, bản thân chúng ta phải có biện pháp tích cực giúp ngăn ngừa đột quỵ não. Đây là điều quan trọng hơn bao giờ hết. Song, hiện nay, các thuốc chống huyết khối như aspirin, clopidogrel,… chỉ được dùng cho bệnh nhân đã bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim để ngăn ngừa tái phát. Trên thực tế, không có nhiều phương pháp dự phòng đột quỵ cho những người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch...
Khi huyết áp tăng, đường huyết cao thì tình trạng xơ vữa động mạch diễn ra nhanh hơn. Đây chính là nguyên nhân tắc mạch máu, khiến máu lưu thông kém hoặc ngăn chặn sự lưu thông của máu. Khi máu lưu thông nuôi dưỡng não bị chặn lại hoặc thiếu hụt khiến các tế bào não tổn thương và nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra bất kì thời điểm nào.