Tai biến mạch máu não (hay đột quỵ não) là nguyên nhân dẫn tới tử vong đứng thứ hai trên thế giới. Việc hiểu biết về tai biến mạch máu não là yếu tố quan trọng giúp người bệnh có biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả.

1. Nguyên nhân và triệu chứng của tai biến mạch máu não

 Nguy cơ mắc tai biến mạch máu não tăng dần theo lứa tuổi, đặc biệt là sau 50 tuổi. Trong đó, tỷ lệ nam giới mắc tai biến mạch máu não cao hơn phụ nữ từ 1,5 đến 2 lần. Ngoài ra, những người mắc một số bệnh nguy cơ như: bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, rối loạn lipid máu, bệnh tim mạch,… hay có thói quen hút thuốc lá, nghiện rượu, béo phì,… cũng dễ bị tai biến.

 Triệu chứng đặc trưng của tai biến mạch máu não: đột ngột tê, yếu, liệt tại mặt, tay hoặc chân; nói khó, mờ hoặc mất thị lực, chóng mặt, mất thăng bằng hoặc không phối hợp được các động tác, đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân,… Tai biến mạch máu não có thể để lại di chứng nặng nề như: liệt nửa người, sống thực vật,... Trong trường hợp nặng, người bệnh có thể tử vong (hầu hết xảy ra trong tuần đầu tiên sau cơn tai biến).

2. Cách sơ cứu bệnh nhân tai biến mạch máu não

 Trong trường hợp gặp bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, trước hết, chúng ta cần đỡ người bệnh để tránh bị té ngã, chấn thương. Người bệnh cần được đặt nằm ở chỗ thoáng, nghiêng một bên nếu bị nôn ói và móc hết đờm nhớt để dễ thở. Đây là tình trạng cấp cứu, nguy cơ tử vong rất cao nên ngay lập tức, chúng ta cần đưa người bệnh đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất. Hạn chế tối đa việc chuyển bệnh nhân lên các bệnh viện tuyến trên nếu cơ sở y tế gần nhà có đủ điều kiện chữa trị, trừ trường hợp có chỉ định khác của bác sĩ vì việc di chuyển nhiều khiến bệnh trầm trọng hơn. Nếu may mắn, trong trường hợp phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân tai biến mạch máu não có thể được cứu sống mà không phải chịu các di chứng nặng nề.

3. Phòng ngừa, điều trị và khắc phục di chứng sau tai biến

 Để điều trị tai biến mạch máu não, tuỳ theo dạng bệnh (nhồi máu não hay xuất huyết não) mà bác sĩ sẽ có phác đồ phù hợp như dùng thuốc, vật lý trị liệu hay phẫu thuật,... Tuy nhiên, các thuốc dùng trong điều trị tai biến mạch máu não có thể gây tác dụng phụ nên bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ. Một số ít trường hợp được các bác sĩ chỉ định phẫu thuật nhưng cần cân nhắc cẩn thận.

 Tai biến mạch máu não có khả năng tái phát cao nên người bệnh cần điều trị tích cực theo đúng phác đồ của bác sĩ. Ngoài ra, người bệnh nên tăng cường vận động, tập thể dục nhẹ nhàng, không hút thuốc lá, cai rượu bia, tránh căng thẳng thần kinh,… Đồng thời, bệnh nhân cần điều trị các bệnh nguy cơ mắc kèm (nếu có) như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, bệnh tim mạch,… và thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học