Có nhiều nguyên nhân gây đột quỵ não (hay tai biến mạch máu não), trong đó tăng huyết áp thuộc nhóm yếu tố nguy cơ phổ biến. Đáng lo ngại là nhiều bệnh nhân không biết mình bị tăng huyết áp nên thiếu biện pháp điều trị, dự phòng thích hợp - Điều này cũng tỉ lệ thuận với việc gia tăng số ca đột quỵ não tại các bệnh viện.
Huyết áp là áp lực máu ở trong lòng động mạch, được tạo ra bởi lực co bóp của tim và sức cản của động mạch. Theo Tổ chức Y tế thế giới, tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu (áp lực máu trong lòng mạch khi tim đập) lớn hơn hoặc bằng 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương (áp lực máu trong khoảng thời gian giữa hai nhịp tim) lớn hơn hay bằng 90mmHg
Tăng huyết áp làm tăng áp lực của dòng máu lên thành mạch, khiến chúng bị giãn dần và tổn thương. Tăng huyết áp diễn ra thường xuyên khiến tổn thương ngày càng nặng và có thể dẫn tới mạch máu bị vỡ, đặc biệt ở những mạch máu nhỏ như mạch máu não, gây xuất huyết não. Với các tổn thương ở thành mạch nhỏ, chưa dẫn tới vỡ mạch máu thì hệ thống tiểu cầu và các sợi fibrin sẽ đến sửa chữa vết thương, hình thành cục máu đông. Hơn nữa, tình trạng rối loạn mỡ máu, thừa cholesterol thường gặp ở người bị tăng huyết áp cũng là nguyên nhân khiến thành mạch dày lên, hình thành các mảng xơ vữa và gây tắc mạch máu, dẫn tới nhồi máu não. Như vậy, đột quỵ não có hai dạng là xuất huyết não và nhồi máu não, đều dễ xảy ra ở bệnh nhân tăng huyết áp. Theo PGS.TS Đinh Thị Thu Hương (Phó viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia Việt Nam), tăng huyết áp là nguyên nhân chính (chiếm khoảng 80%) gây nên đột quỵ não.
Khi bị đột quỵ não, người bệnh thường gặp một số triệu chứng như: đau đầu đột ngột không rõ nguyên nhân, giảm thị lực, liệt nửa người, không nói được,… Đột quỵ não thường diễn ra nhanh và có thể để lại những di chứng nặng nề nếu không được cấp cứu kịp thời như: liệt, hôn mê,… thậm chí là tử vong.
Các chuyên gia y tế cũng lưu ý: nếu giảm huyết áp được 5mmHg thì người bệnh sẽ giảm 10% nguy cơ bị đột quỵ não. Để phòng ngừa đột quỵ não, trước hết người bệnh cần thường xuyên kiểm tra huyết áp, duy trì huyết áp dưới 140/90mmHg (hoặc dưới 130/80 mmHg trong trường hợp có mắc các bệnh kèm theo như: đái tháo đường, bệnh tim mạch, suy thận,…). Tuỳ theo từng thể trạng của người bệnh, chỉ số huyết áp, bệnh cảnh (các yếu tố nguy cơ, bệnh lý kèm theo), bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc điều trị phù hợp như: nhóm thuốc lợi tiểu, nhóm thuốc ức chế men chuyển, nhóm chẹn beta giao cảm, nhóm chẹn alpha giao cảm, nhóm tác động thần kinh trung ương,… Đồng thời, người bị tăng huyết áp cần thực hiện chế độ sinh hoạt khoa học: ăn nhiều thực phẩm chứa kali, hạn chế ăn mặn, tăng cường rau xanh, hoa quả tươi, tránh thức ăn chứa nhiều cholesterol và axit béo no như thịt, sữa, nội tạng động vật,…; duy trì cân nặng hợp lý, không uống rượu bia, cai thuốc lá, tránh căng thẳng thần kinh,….