Rất nhiều gia đình có người thân bị tai biến mạch máu não (từ ông, bà, cha, mẹ…) nên nhiều người đặt câu hỏi, tai biến mạch máu não có di truyền không? Với trường hợp như vậy thì việc phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này thế nào?

Tai biến mạch máu não có di truyền không?

Các chuyên gia sức khỏe khẳng định tai biến mạch máu não không phải bệnh di truyền nhưng những nguyên nhân gây bệnh như: rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, tiểu đường, thói quen hút thuốc lá, chế độ ăn mặn, uống nhiều rượu bia… một phần mang yếu tố gia đình do thói quen ăn uống, sinh hoạt ảnh hưởng. Do vậy nếu trong nhà có người bị tăng huyết áp hay bệnh lí tiểu đường, mỡ máu, béo phì,  thì nguy cơ người thân bị bệnh cao hơn người khác.

Do vậy khi trong nhà có người bị tai biến mạch máu não thì các thành viên khác không nên lo lắng, mọi người hãy tìm hiểu về căn bệnh nguy hiểm này cũng như các yếu tố dẫn đến tai biến để có biện pháp phòng bệnh an toàn. Thay đổi lối sống, sinh hoạt và ăn uống hàng ngày là một trong những biện pháp đơn giản nhưng đòi hỏi sự kiên trì, quyết tâm để có một cơ thể khỏe mạnh. 

Cách phòng tai biến mạch máu não ở người trẻ

Như đã nói trên tai biến mạch máu não là bệnh lý không di truyền, chỉ có một số nguyên nhân gây bệnh có tính di truyền. Tai biến được coi là căn bệnh nguy hiểm nhất với người trẻ tuổi vì nguy cơ tử vong cao, để lại nhiều biến chứng nặng nề ảnh hưởng kéo dài suốt đời với người trẻ bị bệnh. Ai cũng có nguy cơ mắc bệnh này, một số biện pháp đơn giản mà hiệu quả sau sẽ giúp chúng ta phòng bệnh hiệu quả:

- Về dinh dưỡng: Nên ăn nhạt bao gồm cả đường và muối, thực phẩm đảm bảo giàu dinh dưỡng nhưng hạn chế cholesterol, nên bổ sung nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất trong bữa ăn từ rau, củ quả, ăn thịt vừa phải, nên ăn cá ít nhất 3 bữa/ tuần. Bổ sung đạm thực vật gấp 2 lần đạm động vật trong chế độ ăn của mình.

- Thể dục: Thực hiện thể dục đều trong tuần, mỗi ngày duy trì thể dục từ 20-30 phút, tùy vào tình trạng thể lực và sức khỏe để lựa chọn môn hợp lí như: bơi, đi bộ, chạy, yoga…

- Làm việc: Sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi khoa học, nên sắp xếp công việc hợp lý, không thường xuyên thức khuya. Với người làm việc văn phòng nên thay đổi tư thế hoặc xoa vùng cổ, gáy giúp máu lưu thông tốt hơn, phòng thiếu máu não.

- Duy trì thói quen kiểm tra sức khỏe định kì, 1 năm 1-2 lần, theo dõi các chỉ số về đường huyết, mỡ máu, huyết áp.

- Giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan, tránh căng thẳng, stress, đi ngủ đúng và đủ giờ.