Tai biến mạch máu não (hay còn gọi là đột quỵ) có tỉ lệ gây tử vong cao và thường để lại di chứng nặng nề như: méo miệng, không nói được, liệt nửa người,... Có nhiều yếu tố dẫn tới tai biến mạch máu não, trong đó, tăng huyết áp là nguyên nhân chính (chiếm khoảng 80%). Vậy vì sao tăng huyết áp gây tai biến mạch máu não và làm thế nào để phòng ngừa?

Theo PGS. TS Nguyễn Minh Hiện (bệnh viện Quân y 103), tăng huyết áp gây tăng áp lực của dòng máu lên thành mạch, dẫn tới tổn thương thành mạch. Nếu tổn thương nặng, mạch máu não có thể bị vỡ và gây xuất huyết não. Còn các tổn thương nhỏ ở thành mạch thì hệ thống tiểu cầu và sợi fibrin (sợi huyết) sẽ đến sửa chữa vết thương, dẫn tới hình thành cục máu đông, gây nhồi máu não. Như vậy, tai biến mạch máu não có hai dạng là xuất huyết não và nhồi máu não, đều dễ xảy ra ở bệnh nhân tăng huyết áp nên người bệnh cần thường xuyên đo huyết áp, giữ huyết áp ổn định ở mức dưới 130/80mmHg. Tuy nhiên, mức huyết áp tối ưu của mỗi người là khác nhau nên việc điều chỉnh huyết áp về bao nhiêu và phác đồ điều trị như thế nào thì cần được các bác sĩ trực tiếp điều trị điều chỉnh cho phù hợp để đảm bảo mức huyết áp an toàn.

Các chuyên gia y tế cũng lưu ý: nếu giảm huyết áp được 5mmHg thì người bệnh sẽ giảm 10% nguy cơ bị tai biến mạch máu não. Để phòng ngừa tai biến mạch máu não hiệu quả, trước hết, người bệnh cần kiểm soát huyết áp tốt, điều chỉnh chế độ sinh hoạt khoa học: hạn chế ăn mặn, nên ăn nhiều cá, nhiều rau, củ; hạn chế tinh bột, đường, giảm sữa béo, mỡ, thịt bò,…; thường xuyên tập thể dục; cai rượu bia, không hút thuốc lá và giữ cân nặng ở mức hợp lý. Đặc biệt, bệnh nhân tăng huyết áp cần có cuộc sống tinh thần thoải mái và tránh căng thẳng thần kinh.

Khi bị tai biến mạch máu não, người bệnh thường gặp một số triệu chứng như: đau đầu đột ngột không rõ nguyên nhân, giảm thị lực, liệt nửa người, không nói được,… Tai biến mạch máu não thường diễn ra nhanh và có thể để lại những di chứng nặng nề nếu không được cấp cứu kịp thời như: liệt, hôn mê,… thậm chí là tử vong.

Để phòng ngừa tai biến mạch máu não, trước hết người bệnh cần thường xuyên kiểm tra huyết áp và điều trị bệnh tăng huyết áp bằng các thuốc như: Thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển,… Trong điều trị tai biến mạch máu não, tùy theo dạng bệnh và mức độ nặng mà bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc phù hợp (thuốc chống đông máu, thuốc tiêu huyết khối,…) kết hợp vật lý trị liệu,… Việc dùng các thuốc này cần có sự theo dõi của bác sĩ để phòng tránh những tác dụng phụ và tai biến có thể xảy ra.