Bình quân mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 200000 người mắc bệnh tai biến mạch máu não, trong đó có 100000 người tử vong. Số bệnh nhân qua được nguy kịch cũng trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội vì những di chứng nặng nề. Đây là số liệu mới được công bố tại ngày đột quỵ thế giới tại thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Lễ phát động Ngày Đột quỵ thế giới tổ chức ngày 4/10 tại thành phố Hồ Chí Minh, GS TS Lê Văn Thành công bố con số về bệnh tai biến mạch máu não khiến chúng ta lo ngại. Bình quân cả nước có khoảng 200 nghìn người mắc tai biến mạch máu não mỗi năm, trong đó con số tử vong do bệnh này là 100 nghìn người.
Theo GS Thành, đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là tình trạng bệnh lý biểu hiện bởi các triệu chứng thần kinh xảy ra đột ngột. “Mạch máu não bị bít tắc lại, các tế bào thần kinh bị hủy hoại một cách rất nhanh chóng chỉ trong một phút sẽ mất đi 2 triệu tế bào. Điều đó tương ứng với tổn thương cục bộ hệ thần kinh trung ương do rối loạn tuần hoàn não.”
Trên thế giới có khoảng 5 triệu người bị tai biến mỗi năm. Được coi là bệnh lý gây tàn phế hàng đầu và là bệnh cấp cứu thường gặp nhất trong khoa chuyên khoa thần kinh. Số người bị căn bệnh này tại Việt Nam không nhỏ: 100.000 người chết và gần 200.000 người bị tai biến mỗi năm. Hiện tại số người bị tai biến còn sống khoảng gần 500.000 người. Các con số trên cho thấy mối nguy hiểm của bệnh tai biến và những ảnh hưởng nặng nề của nó gây ra với người bệnh và xã hội.
Tai biến mạch máu não phần lớn xảy ra đối với những người uống nhiều bia rượu, hút thuốc lá, béo phì, lười vận động, người có tiền sử huyết áp cao, bệnh tim mạch…