Nhiều người bệnh đột quỵ cho biết, họ đã từng gặp phải dấu hiệu bị tê mỏi một bên cánh tay. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, họ không biết tê mỏi cánh tay là dấu hiệu cảnh báo sớm của cơn đột quỵ. Một thời gian ngắn sau khi triệu chứng này xuất hiện, người bệnh rơi vào cơn đột quỵ nghiêm trọng với các di chứng như liệt vận động, suy giảm khả năng nhận thức, mất trí nhớ…

Tê mỏi cánh tay - Dấu hiệu cảnh báo sớm cơn đột quỵ không thể chủ quan

Đột quỵ não (hay còn gọi tai biến mạch máu não) là một bệnh thuộc nhóm có nguy cơ gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Cơn đột quỵ xảy ra khi một phần não không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng, khiến các tế bào não bị chết. Đột quỵ cần được chẩn đoán và điều trị nhanh chóng để giảm thiểu tổn thương não. Biện pháp điều trị tùy thuộc vào từng loại đột quỵ.

Có 2 dạng đột quỵ thường gặp:

- Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Là khi các động mạch bị nghẽn hoặc thu hẹp, vì vậy, việc điều trị tập trung vào khôi phục dòng máu đầy đủ đến não.

- Đột quỵ xuất huyết: Là do máu rò rỉ vào não, nên việc điều trị thường tập trung để kiểm soát chảy máu và giảm áp lực lên não.

Trước khi tấn công, người bệnh có một số dấu hiệu của cơn đột quỵ nhưng lại thường bị bỏ qua. Đó là các triệu chứng phổ biến như:

- Mặt: Khi cơn đột quỵ tấn công, người bệnh có thể bị méo miệng, khuôn mặt mất cân xứng.

- Cánh tay: Cảm giác tê yếu sẽ xuất hiện ở một bên cánh tay hoặc chân, khiến người bệnh khó chuyển động như ý muốn.

 

- Giọng nói: Nhiều người bị đột quỵ không thể nói bình thường như trước, không thể gọi được người xung quanh, hoặc bị nói ngọng.

- Đau đầu dữ dội.

- Mắt nhìn mờ một bên hoặc cả hai bên.

- Buồn nôn, ói mửa.

Trong các triệu chứng này, dấu hiệu tê mỏi một bên cánh tay có thể khiến nhiều người chủ quan vì nghĩ rằng, đó chỉ là các triệu chứng về gân, cơ thông thường. Một số lại cho rằng, đó là dấu hiệu của bệnh khớp hoặc do vận động quá sức. Tuy nhiên, các chuyên gia luôn cảnh báo mọi người cần chú ý đến những dấu hiệu đột quỵ. Khi thấy nghi ngờ, người bệnh nên đến bệnh viện thăm khám ngay. Bởi thời gian vàng của người đột quỵ là 3 giờ sau khi cơn đột quỵ tấn công. Nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể gặp các di chứng nặng nề như tàn tật suốt đời, mất khả năng ngôn ngữ, mất trí nhớ,…

Cách phòng ngừa đột quỵ

Để ngăn chặn những hậu quả nghiêm trọng do đột quỵ não gây ra, chúng ta nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa chủ động.

+ Thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ: Các chuyên gia cho rằng, việc phát hiện sớm các bệnh như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu hay rối loạn nhịp tim,… sẽ giúp mọi người chủ động ngăn ngừa và làm giảm hậu quả của đột quỵ.

+ Tránh thừa cân, béo phì: Bạn cần hạn chế dùng các đồ ăn nhanh, thực phẩm chiên rán; hạn chế muối và các loại phủ tạng động vật, mỡ động vật, bơ…

+ Tập thể dục thể thao: Bạn nên chọn cho mình một loại hình vận động phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, thậm chí phải theo sự hướng dẫn của các chuyên gia thể chất. Bạn có thể đi bộ 30 phút mỗi ngày hoặc tập yoga…

+ Duy trì lối sống lành mạnh: Tránh căng thẳng, mất ngủ; không thức khuya; không tắm khuya. Cẩn thận giữ sức khỏe khi thời tiết thay đổi đột ngột như lúc chuyển lạnh vào mùa đông hoặc lúc nhiệt độ tăng cao vào mùa hè.

+ Không hút thuốc lá, kiêng rượu bia và các chất kích thích khác: Hút thuốc lá tiềm ẩn nguy cơ cao gây xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim… Ngoài ra, hút thuốc lá còn làm giảm tác dụng của thuốc trong điều trị tăng huyết áp.