Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là một trong những căn bệnh nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Đột quỵ làm cho phần não được cấp máu bởi động mạch rơi vào tình trạng thiếu ôxy và tế bào não sẽ chết chỉ sau vài phút. Bệnh nhân có thể bị liệt, hôn mê thậm chí tử vong tùy thuộc vào diện não bị ảnh hưởng và mức độ trầm trọng của tổn thương. Vì vậy, nhận biết và xử lý kịp thời các dấu hiệu của đột quỵ vô cùng quan trọng.
Những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ
- Yếu một tay hoặc một chân hoặc cả tay và chân cùng bên làm người bệnh đi khó khăn: đi loạng choạng, mất thăng bằng hoặc không phối hợp các động tác được hoặc ngã khuỵu. Rối loạn cảm giác kiểu kiến bò hoặc tê cóng một bên cơ thể.
- Yếu một bên cơ mặt, miệng méo.
- Nói khó khăn: nói đớ, nói không nói trọn câu đơn giản hoặc hoàn toàn không nói được.
- Nhìn khó khăn: mắt mờ hoặc mù một bên hoặc nhìn thấy hình đôi.
- Nhức đầu dữ dội hoặc nhức đầu dị thường kèm theo cứng cổ, nôn.
- Mất ý thức: người bệnh sững sờ, không biết gì, khó đánh thức hoặc hôn mê đột ngột, đôi khi tử vong ngay.
Các dấu hiệu này có thể chỉ thoáng qua, kéo dài trong vài phút rồi người bệnh lại trở lại trạng thái bình thường. Hiện tượng này được gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua. Thiếu máu não thoáng qua là những dấu hiệu báo trước đặc biệt quan trọng của đột qụy và người bệnh cần được nhập viện ngay.
Các bước sơ cứu đúng cách
Khi thấy ai đó có một trong các triệu chứng nêu trên cần nhanh chóng để người bệnh không bị ngã gây chấn thương. Đặt người bệnh nằm chỗ thoáng, nghiêng một bên nếu bị nôn, móc hết đờm nhớt cho bệnh nhân dễ thở.
Đối với người bị đột quỵ não, trong 3 giờ đầu thời gian là vàng, vì vậy, hãy gọi xe cấp cứu hoặc taxi đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Đối với địa bàn miền núi, vùng sâu nếu không có điều kiện hãy di chuyển bệnh nhân bằng cáng, không nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện bằng xe máy, tránh xóc khi chuyển bệnh nhân.
Khi di chuyển bệnh nhân, nên để bệnh nhân trên mặt phẳng, nghiêng mặt sang một bên, nới bớt quần áo cho thoáng.
Nếu bệnh viện gần nhà có đủ điều kiện chữa trị thì không nên chuyển đến viện xa, trừ khi có chỉ định của bác sĩ, vì càng di chuyển xa càng có thể làm bệnh nặng hơn.
Không tự ý cho uống hoặc nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác, không để nằm chờ xem bệnh nhân có khỏe lại không. Nhiều người thường nhầm lẫn các dấu hiệu của đột quỵ với hiện tượng trúng gió, nên xoa dầu nóng, cạo gió, cắt lể hoặc cúng bái… Điều này là hoàn toàn sai lầm, có thể làm cho tình trạng bệnh trầm trọng thêm.