Tai biến ở người già là tình trạng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và để lại các di chứng khó lường. Sau cơn tai biến, nhiều người bị yếu liệt tay chân gây khó khăn cho việc sinh hoạt hàng ngày. Vậy làm thế nào để cải thiện di chứng hiệu quả, lấy lại sức khỏe và khả năng vận động cho người bị tai biến? Hãy cùng tìm hiểu!

Dấu hiệu tai biến ở người già là gì?

Tai biến ở người già là bệnh ngày càng phổ biến và có nguy cơ xảy ra ở những người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì,... Tai biến mạch máu não (còn gọi đột quỵ não) là biểu hiện của tình trạng thiếu máu và oxy đến một phần não, làm cho các tế bào bị chết đi, gây tổn thương mô não. Khi bị tai biến sẽ có một số biểu hiện như sau:

1. Khuôn mặt: Tai biến khiến cho khuôn mặt người mắc bất ngờ méo xệch, liệt một bên cơ mặt, miệng cũng méo.

2. Giọng nói: Người bị tai biến bất ngờ không nói được hoặc nói ngọng, nói những chữ vô nghĩa hay mất khả năng ngôn ngữ.
3. Cánh tay: Người mắc tai biến có thể đột ngột bị tê yếu ở cánh tay hoặc một bên chân, khiến không thể chuyển động tay, chân như ý muốn.
4. Mờ mắt: Người mắc tai biến đột nhiên bị mờ một bên, cả hai bên mắt hoặc nhìn thấy hình đôi (hai hình chồng lên nhau).

5. Đau đầu dữ dội: Một số người bị tai biến cảm thấy đau đầu dữ dội, không giống với những cơn đau thông thường.
Người bị tai biến cần phải được cấp cứu kịp thời để tránh nguy cơ tử vong hoặc mắc các di chứng như tàn tật suốt đời. Quá trình phục hồi sau tai biến cũng cần rất nhiều thời gian và lòng kiên trì của người bệnh cũng như người nhà chăm sóc.

Bị yếu liệt tay chân sau tai biến phải làm sao?

Nhiều người bị yếu, liệt chân tay sau cơn tai biến. Đây là di chứng thường gặp và phải mất nhiều thời gian để phục hồi, đặc biệt ở những người cao tuổi.

Nhằm giúp người bị tai biến phục hồi sức khỏe, cải thiện được chứng tay chân yếu liệt cần phải phối hợp giữa một số biện pháp như sau:

Thực hành bài tập phục hồi chức năng

Người bị tai biến có thể được đưa đến các trung tâm vật lý trị liệu hoặc thực hành  tại nhà những bài tập kỹ năng vận động, bài tập dồn trọng tâm, bài tập mở rộng phạm vi chuyển động để họ học lại kỹ năng phối hợp.

Nên ưu tiên cho người bị tai biến thực hành bài tập về cảm giác, vận động một bên chân, tay không bị liệt, từ đó sẽ kích thích lại các dây thần kinh vận động của bên chân tay bị liệt. Khi khả năng vận động đã được cải thiện, hãy cho người bị tai biến tập những động tác như cầm cốc, cầm sách, gấp quần áo, tập cầm nâng những đồ vật kích cỡ, nặng nhẹ khác nhau.

Chế độ ăn uống cho người bị tai biến

- Người bị tai biến nên ăn trái cây chứa nhiều kali, vitamin C.

- Bổ sung các loại rau, củ chứa nhiều chất xơ, nhất là những loại rau màu xanh đậm như bông cải xanh, cải bó xôi,... giúp giảm cholesterol, tốt cho hệ tuần hoàn.

- Tăng cường các loại ngũ cốc nguyên hạt vào thực đơn ăn uống, đặc biệt là đậu nành.

- Người bị tai biến nên ăn chất béo có trong dầu thực vật và một số thực phẩm như dầu đậu nành, dầu cá (cá thu), dầu vừng,… rất tốt trong việc tránh bị đông máu.

- Hãy giảm muối trong các món ăn hàng ngày, tốt nhất nên ăn nhạt.

- Chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa nhỏ để cơ thể dễ hấp thụ được thức ăn.

- Đồ ăn của người bị tai biến nên ở dạng lỏng như cháo, súp vì sức khỏe họ còn yếu.