Tai biến mạch máu não có thể để lại rất nhiều di chứng. Tích cực thực hiện các bài tập phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não sẽ giúp người bệnh nhanh chóng khắc phục những di chứng này. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu tới bạn 2 bài tập giúp cải thiện khả năng đi lại sau tai biến theo mức độ từ cơ bản đến nâng cao. Đừng bỏ lỡ!

Tai biến mạch máu não là gì?

Não bộ kiểm soát mọi chức năng trên cơ thể. Tai biến mạch máu não là tình trạng xảy ra khi lưu lượng máu lên một vùng não đột ngột giảm mạnh. Khi đó, vùng não thiếu oxy sẽ bị tổn thương và dần hoại tử, ảnh hưởng đến các chức năng mà nó điều khiển. Tai biến mạch máu não thường xảy ra ở những người mắc bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch, lười vận động,...

Xem thêm: Cách nhận biết tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim đơn giản nhất

Những di chứng của tai biến mạch máu não

Tai biến mạch máu não có thể để lại rất nhiều di chứng, phổ biến nhất là: 

Liệt nửa người, đi lại khó khăn

Rất nhiều bệnh nhân bị liệt nửa người sau tai biến mạch máu não. Từ đó, mọi việc sinh hoạt, ăn uống, tắm giặt đều cần tới sự trợ giúp của gia đình. Quá trình nằm lâu một chỗ, ít vận động còn có thể gây viêm loét da, viêm đường hô hấp, tiết niệu,... Không những thế, di chứng này thường khiến người bị tai biến rơi vào tình trạng rối loạn cảm xúc, thậm chí trầm cảm.

Rối loạn ngôn ngữ

Rối loạn ngôn ngữ, thậm chí mất ngôn ngữ cũng là một di chứng tai biến mạch máu não rất phổ biến. Người bệnh thường bị nói ngọng, nói những câu rất ngắn và không rõ nghĩa. Nguyên nhân là do vùng não đảm nhận chức năng ngôn ngữ bị tổn thương.

Suy giảm nhận thức

Người bị tai biến mạch máu não có thể bị mất trí nhớ, suy giảm nhận thức về mọi vấn đề trong cuộc sống. Nhiều người rất lâu mới có thể phục hồi hoặc không thể làm những công việc có độ phức tạp nhiều như trước đây. 

Suy giảm thị lực

Khi cơn tai biến làm tổn thương vùng não điều khiển chức năng hoạt động của mắt, người bệnh có thể bị mờ một hoặc cả hai bên mắt, thậm chí mất thị lực hoàn toàn. 

Đại, tiểu tiện không tự chủ

Chứng rối loạn cơ tròn bàng quang có thể khiến người bị tai biến rơi vào tình trạng đại, tiểu tiện không tự chủ. Hãy quan tâm chăm sóc, giúp người bị tai biến đảm bảo vệ sinh, tránh tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu cũng như một số bệnh lý liên quan.

Xem thêm: Nguyên nhân gây tai biến mạch máu não là gì?

2 bài tập phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não

Như vậy, tai biến mạch máu não có thể ảnh hưởng đến rất nhiều chức năng trên cơ thể. Để hồi phục mỗi chức năng cần kết hợp nhiều bài tập khác nhau, kiên trì thực hiện lâu dài. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu với bạn 2 bài tập phục hồi chức năng đi lại - một trong những di chứng phổ biến và nặng nề nhất sau cơn tai biến. Cụ thể:

Bài tập thăng bằng

Để có thể khôi phục khả năng đi lại, người bị tai biến cần học cách giữ thăng bằng. Dưới đây là 3 động tác người bệnh nên luyện tập thường xuyên:

- Động tác thăng bằng cơ bản

Tìm một vị trí ổn định, đứng thẳng người, dồn trọng lượng vào một bên chân. Sau đó, bạn từ từ nhấc chân còn lại lên và giữ thăng bằng trong 10 giây. Tiếp đó, bạn đổi chân, lặp đi lặp lại động tác này càng nhiều càng tốt. 

- Động tác đứng 

Khi bạn đã tập nhuần nhuyễn động tác thăng bằng cơ bản ở trên, hãy chuyển sang động tác đứng. Với động tác này, bạn chỉ cần nhấc một chân lên và uốn cong đầu gối. Giữ thăng bằng trong 10 giây rồi từ từ hạ xuống. Đổi chân và thực hiện động tác này nhiều lần.  

- Động tác thăng bằng nâng cao

Bạn chỉ nên thực hiện động tác này khi đã nhuần nhuyễn 2 bài tập trên. Hãy bám vào tường, vung một chân ra sau, càng xa càng tốt rồi giữ trên không trong khoảng 10 giây. Sau đó, bạn hãy nhẹ nhàng hạ chân xuống, đổi chân và lặp lại động tác.  

Bài tập khôi phục sức mạnh đôi chân

Để khôi phục sức mạnh đôi chân, bạn cần tăng cường sức mạnh cho xương sống và hông. 3 động tác trong bài tập bắc cầu dưới đây rất thích hợp: 

- Động tác bắc cầu cơ bản

Để thực hiện động tác này, bạn hãy tìm một vị trí thoải mái và nằm xuống, kê một chiếc gối bên dưới khoeo chân rồi từ từ nhấc gót lên khỏi sàn. Động tác này sẽ giúp tăng cường sức mạnh cho cơ đùi.  

- Động tác bắc cầu trung cấp

Động tác này còn được gọi là Ski Squats, bạn hãy thực hiện khi đã thành thạo mức độ cơ bản. Hãy đứng thẳng, dựa vào tường rồi đưa chân lên trước, từ từ hạ thấp người sao cho chân tạo thành một góc 90 độ. Giữ vị trí này trong 10 giây. Sau đó từ từ đứng dậy, bạn có thể bám vào tường rồi trượt dần lên cho đến khi hoàn toàn đứng thẳng người. 

- Động tác bắc cầu nâng cao

Khi sức mạnh đôi chân đã được cải thiện, bạn có thể thực hiện các bài tập từ trung cấp cho tới nâng cao này. Bạn cần 1 quả bóng hơi, đặt giữa 2 đầu gối rồi từ từ hạ thấp xuống thành tư thế ngồi xổm. Giữ tư thế này càng lâu càng tốt, sau đó từ từ đứng dậy. Hãy lặp đi lặp lại động tác này nhiều lần. 

 

Xem thêm: 5 nguyên tắc giúp khắc phục di chứng tai biến mạch máu não tại nhà