Những di chứng tai biến mạch máu não có thể thay đổi cả cuộc sống của bạn. Một số di chứng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng có những di chứng có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí là vĩnh viễn. Vậy khi đã được xuất viện, bạn nên làm gì để giữ an toàn cho chính mình và giúp quá trình phục hồi diễn ra nhanh hơn? Câu trả lời có trong bài viết này.
Tai biến mạch máu não là gì?
Tai biến mạch máu não (hay đột quỵ não) là tình trạng não bộ bị tổn thương do lượng máu cung cấp oxy và chất dinh dưỡng nuôi não bị ngưng đột ngột. Dòng máu lên não gián đoạn do mạch máu não bị tắc hoặc vỡ, khiến một phần não hư hại.
Khi không được cung cấp đủ máu, các tế bào não sẽ ngưng hoạt động và hoại tử chỉ trong thời gian ngắn, dẫn đến tình trạng các bộ phận cơ thể do phần não đó điều khiển mất khả năng hoạt động bình thường, thậm chí gây tử vong nếu người bệnh không được cấp cứu kịp thời. Cũng có nhiều trường hợp, người bệnh được cứu sống nhưng phải sống chung với những di chứng tai biến mạch máu não như liệt nửa người, suy giảm thị lực, méo mặt,…
>>>Xem thêm: 5 di chứng tai biến mạch máu não người bệnh dễ gặp nhất
Khắc phục di chứng tai biến mạch máu não tại nhà
Những di chứng tai biến mạch máu não có thể ảnh hưởng lớn đến tâm lý và cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, theo thời gian, bạn hoàn toàn có thể cải thiện những di chứng này. Để rút ngắn quá trình phục hồi, khi ở nhà, bạn nên tuân thủ một số nguyên tắc sau:
Cố gắng tự mình đi lại
Tai biến mạch máu não thường dẫn đến tình trạng yếu, liệt chân tay. Bởi vậy, sau tai biến mạch máu não, người bệnh thường khó đi lại. Tình trạng này tiến triển nhiều nhất trong khoảng 3 – 4 tháng kể từ khi cơn tai biến mạch máu não khởi phát, nhưng quá trình phục hồi có thể phải mất tới 1 đến 2 năm.
Khi được xuất viện trở về nhà, bạn hãy lên kế hoạch cho mình từ từ trở lại cuộc sống hàng ngày. Chắc chắn là phải mất một thời gian bạn mới khôi phục lại được năng lượng hoạt động, ngay cả với những việc đơn giản như mặc quần áo, đi bộ hoặc nói chuyện,… cũng thấy khó khăn.
Tai biến mạch máu não cũng có thể ảnh hưởng đến cảm xúc. Bạn có thể dễ bị choáng ngợp, căng thẳng, tức giận hoặc buồn bã; khả năng ghi nhớ và tập trung tinh thần kém hơn trước. Tuy nhiên, đây là những di chứng phổ biến sau tai biến mạch máu não và bạn hoàn toàn có thể cải thiện được. Điều quan trọng là bạn cần chủ động luyện tập để cải thiện và khi gặp khó khăn, hãy kêu gọi sự giúp đỡ của người thân.
Phòng ngừa tai biến mạch máu não tái phát
Khi đã bị tai biến mạch máu não, bạn sẽ có nguy cơ tái phát bệnh. Để ngăn ngừa trường hợp rủi ro này và cải thiện sức khỏe tổng thể, bạn hãy xây dựng chế độ ăn uống và sử dụng thuốc phù hợp.
Trong chế độ ăn hàng ngày, hãy bổ sung nhiều trái cây, rau xanh, thịt nạc, ngũ cốc nguyên hạt và dầu thực vật, hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, đồ chiên, món ăn nhiều đường và muối. Bên cạnh đó, bạn nên thường xuyên tập thể dục nhẹ nhàng để phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não.
Nếu bác sĩ đề nghị bạn dùng thuốc để phục hồi sức khỏe và phòng ngừa tai biến mạch máu não tái phát, hãy uống thuốc theo đúng chỉ dẫn, không tự ý giảm liều hoặc ngừng thuốc. Những loại thuốc có thể được kê là thuốc kiểm soát huyết áp, ngăn ngừa cục máu đông hoặc thuốc loại bỏ mảng bám động mạch. Trong quá trình dùng thuốc, nếu thấy có tác dụng phụ, hãy báo ngay cho bác sĩ để được xử lý kịp thời.
Thiết kế không gian sống an toàn
Sau tai biến mạch máu não, nhiều bệnh nhân thường bị ngã, gây nguy hiểm tính mạng ngay tại nhà. Nếu bạn bị ngã dẫn đến bầm tím hoặc chảy máu, đau nhức, hãy quay lại bệnh viện ngay lập tức. Và để tránh xảy ra tình trạng này, hãy nhờ người thân sắp xếp lại nhà cửa để không gian sống luôn gọn gàng, an toàn, nhất là khu vực phòng ngủ, phòng tắm và nhà bếp.
Không gian dành cho người bị tai biến mạch máu não nên đặt tay vịn, ghế vệ sinh hoặc ghế tắm, lót thêm thảm chống trượt và mua giày chống trượt để hỗ trợ tối đa cho người bệnh, giúp người bệnh tránh bị ngã, có thể gây ra những chấn thương khác.
Trị liệu tại nhà
Để nhanh chóng phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não, bạn hãy tìm đến sự giúp đỡ của một số chuyên gia như:
- Nhà trị liệu ngôn ngữ: Giúp bạn phục hồi khả năng giao tiếp và ghi nhớ. Thông qua đó, khả năng nhai, nuốt của bạn cũng sẽ được cải thiện.
- Nhà trị liệu vật lý: Thông qua các bài trị liệu vật lý, các cơ bắp bị tổn thương trong cơn tai biến mạch máu não sẽ được tăng cường, lấy lại khả năng thăng bằng và đi lại.
- Nhà trị liệu nghề nghiệp: Giúp bạn làm những việc hàng ngày như ăn uống và dọn dẹp theo những cách dễ dàng hơn.
Tích cực giao tiếp với người khác
Đôi khi quá trình phục hồi sau tai biến mạch máu não có thể rất chậm, khiến bạn chán nản và bực bội. Hãy trao đổi với đội ngũ chăm sóc sức khỏe của bạn hoặc một chuyên gia sức khỏe tâm thần để giúp bạn giải quyết những cảm xúc tiêu cực của mình.
Bạn cũng cần nói chuyện với gia đình, bạn bè về những cảm xúc của mình để giải tỏa căng thẳng. Nếu họ chưa bao giờ bị tai biến mạch máu não, bạn cần chia sẻ để họ thấu hiểu và thông cảm cho tình trạng của bạn hiện tại.
>>>Xem thêm: Muôn kiểu đau sau tai biến mạch máu não - Di chứng đâu ai ngờ