Di chứng tai biến mạch máu não là nỗi buồn thường trực của rất nhiều bệnh nhân. Vốn là cơn trọng bệnh, sống sót vượt qua đã là may mắn, nhưng người bệnh cũng thường phải gánh chịu những di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến cả thể trạng và tinh thần. Dưới đây là 5 di chứng sau tai biến mạch máu não thường gặp nhất, bạn hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé!

5 di chứng thường gặp sau tai biến mạch máu não

Tai biến mạch máu não (hay còn gọi đột quỵ não) xảy ra khi tuần hoàn não bị ngưng trệ do tắc hoặc vỡ mạch máu. Khi đó, lượng máu lưu thông đến não bị gián đoạn, não không được cung cấp đủ oxy và dưỡng chất sẽ dần chết đi, không thể điều khiển các cơ quan trên cơ thể. Những di chứng tai biến mạch máu não phổ biến nhất có thể kể đến như: Liệt nửa người, rối loạn ngôn ngữ, nhận thức, rối loạn thị giác…

Liệt nửa người

Liệt nửa người sau tai biến mạch máu não là tình trạng suy giảm hoặc mất khả năng vận động ở một bên người do tổn thương một vùng não. Nếu vùng não tổn thương ở bên phải thì người bệnh sẽ bị liệt nửa người bên trái, ngược lại nếu vùng não tổn thương ở bên trái thì người bệnh sẽ bị liệt nửa bên phải. Đây là di chứng nặng nề và phổ biến nhất ở bệnh nhân tai biến mạch máu não.

Khi đó, chân tay mất cảm giác, người bệnh sẽ khó đi lại, thậm chí phải nằm một chỗ. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Ngoài chân tay, tai biến mạch máu não có thể dẫn đến tình trạng liệt mặt, liệt các cơ, méo miệng…

Rối loạn nhận thức

Tình trạng rối loạn nhận thức ở người bị tai biến mạch máu não xảy ra do vỏ não bị tổn thương. Biểu hiện của rối loạn nhận thức là người bệnh bị suy giảm trí nhớ, lãng đãng, không tỉnh táo, mất khả năng định hướng (không gian, thời gian), thậm chí không nhận ra được người thân, không hiểu người khác đang nói gì…

Rối loạn ngôn ngữ

Đây cũng là một di chứng phổ biến sau tai biến mạch máu não. Nếu bị tổn thương cục bộ não, người bệnh dễ bị rối loạn ngôn ngữ (mất tiếng, méo tiếng, nói không có nhịp điệu, nói ngọng, nói lắp, nói những câu vô nghĩa, không diễn đạt được ý mình muốn nói…).

Rối loạn thị giác

Biểu hiện của rối loạn thị giác là người bệnh bị mờ một bên mắt hoặc cả hai bên, mù một phần hoặc toàn bộ, mắt có quầng và thấy cảm giác đau. Đây có thể là tình trạng xảy ra tạm thời, nhưng nếu không được điều trị sớm thì người bệnh có thể bị mất thị lực vĩnh viễn.

Đại tiện, tiểu tiện không tự chủ

Di chứng này xảy ra do rối loạn cơ tròn sau tai biến. Thông thường, cơ tròn bàng quang, hậu môn hoạt động theo sự “chỉ đạo” của các trung khu điều khiển của hệ thần kinh trung ương. Khi não bị tổn thương, các cơ tròn này mất đi đầu não điều khiển dẫn đến suy giảm chức năng, gây ra các triệu chứng rối loạn như: Bí tiểu, bí đại tiện; đại tiện, tiểu tiện không tự chủ… khiến cả người bệnh và người thân gặp khó khăn trong quá trình điều trị.

>>>Xem thêm: Bị yếu liệt tay chân sau tai biến phải làm sao?

Làm gì để phòng ngừa tai biến?

Tai biến mạch máu não thường xảy ra bởi những vấn đề sẵn có trong hệ tuần hoàn, tích tụ theo thời gian như cholesterol cao, huyết áp cao, bệnh tiểu đường… Dù là căn bệnh nguy hiểm nhưng bạn vẫn có thể phòng ngừa tai biến mạch máu não với những biến chứng nguy hiểm của nó bằng cách:

Thay đổi lối sống: Tăng cường hoạt động thể lực, hạn chế rượu bia, cai thuốc lá, tránh xa khói thuốc và hạn chế sử dụng chất kích thích.

Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học: Bạn cần bổ sung đủ vitamin và khoáng chất cho cơ thể, hạn chế chất béo và đồ ăn nhanh, món ăn quá mặn hoặc quá ngọt.

Điều trị rối loạn lipid máu, phòng ngừa đông máu: Những người bị rối loạn lipid máu và có nguy cơ cao bị đông máu nên điều trị bệnh từ sớm, ngăn chặn việc hình thành các cục máu đông gây tắc mạch máu.

Kiểm soát huyết áp: Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não, người bị bệnh cao huyết áp cần sử dụng thuốc hạ huyết áp mỗi ngày, kết hợp với các biện pháp luyện tập thể lực, giữ gìn sức khỏe để chỉ số huyết áp ổn định.

Điều trị bệnh tiểu đường: Lượng đường trong máu cao dẫn đến việc hình thành các cục máu đông và làm tổn thương mạch máu, dễ dẫn đến tai biến mạch máu não.

Điều trị bệnh tim mạch: Bệnh tim mạch là cũng là một yếu tố nguy cơ dẫn đến tai biến mạch máu não. Bởi vậy, điều trị bệnh tim mạch là một cách để bảo vệ cơ thể khỏi tai biến mạch máu não.

Tập thể dục mỗi ngày: Không có cách phòng ngừa bệnh tật nào mà không cần tập thể dục. Việc rèn luyện không chỉ giúp cơ thể dẻo dai, tinh thần sảng khoái mà còn góp phần làm giảm huyết áp, từ đó giảm nguy cơ tai biến mạch máu não.

>>>Xem thêm: 6 triệu chứng tai biến mạch máu não bạn cần nhớ để không gặp nguy hiểm