Có nhiều yếu tố gây tai biến mạch máu não, tuy nhiên các yếu tố có thể thay đổi được lại là yếu tố dễ dẫn đến tai biến. Ý thức của người bệnh giúp giảm nguy cơ tai biến một cách rõ rệt.
Tai biến mạch máu não là bệnh gì?
Nguyên nhân dẫn đến tai biến mạch máu não là do chảy máu não hoặc tắc mạch máu não.
Mạch máu não bị vỡ dẫn đến chảy máu não: Động mạch não bị vỡ khiến máu trào ra khỏi lòng mạch và hình thành các cục máu đông chèn ép các tế bào não, các tế bào này bị chết đi, đây được gọi là tai biến mạch máu não do chảy máu não. Nguyên nhân gây vỡ mạch máu có thể do: chấn thương não, tăng huyết áp, phình động mạch.
Mạch máu não bị tắc: Hơn 80% tai biến xảy ra do mạch máu não bị tắc. Khi các động mạch bị tắc nghẽn do tình trạng xơ vữa cộng với mảng bám của cholesterol lắng đọng và các sợi huyết dẫn đến hình thành các cục máu đông. Lòng mạch tắc nghẽn khiến não thiếu máu và oxy nuôi dưỡng, các tế bào não chết đi và tình trạng tai biến xảy ra.
Nguyên nhân gây tai biến mạch máu não có thể là kết quả của nhiều yếu tố nguy cơ kết hợp lại. Có thể chia ra hai nhóm là nguy cơ không thể thay đổi và nguy cơ có thể thay đổi.
Những nguy cơ không thể thay đổi
- Tuổi: Tuổi càng cao nguy cơ mắc tai biến càng tăng, độ tuổi bị tai biến nhiều nhất là 75-85 và độ tuổi trung bình bị tai biến là 50-70 tuổi. Nguyên nhân là do tuổi cao, cơ thể lão hóa, sức khỏe suy giảm, miễn dịch kém, dễ mắc các bệnh như: huyết áp cao, tiểu đường, mỡ máu…
- Giới tính: Tỉ lệ tai biến ở nam giới cao hơn nữ giới, nhưng tỉ lệ tử vong ở nữ giới bị căn bệnh này cao hơn nhất là phụ nữ trên 65 tuổi.
- Chủng tộc: Nguy cơ bị tai biến ở người da trắng thấp nhất, sau đó là người da vàng, người da đen có tỉ lệ tai biến cao nhất.
- Tiền sử có đột quỵ não hay cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua: những trường hợp đã có tiền sử bị tai biến hay thiếu máu não cũng có nguy cơ bị tai biến nhiều hơn và nguy hiểm hơn. Theo nghiên cứu nếu như không được điều trị thiếu máu cục bộ thoáng qua thì có 3-22% tái phát trong năm đầu và 10-53% trong vòng 5 năm.
- Di truyền: Tai biến không phải là bệnh di truyền nhưng các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh lại có khả năng di truyền. Trong gia đình có người thân bị đột quỵ thì nguy cơ bị tăng lên rất nhiều.
- Các bệnh lí về máu: Bệnh hồng cầu hình liềm, Bệnh lý đa hồng cầu… Những người có bệnh lí này nguy cơ tai biến cũng cao hơn người bình thường.
Những nguy cơ có thể thay đổi được
- Tăng huyết áp: Người bị tăng huyết áp khiến lòng mạch dễ bị xơ vữa khiến độ đàn hồi lòng mạch giảm nên dễ bị vỡ hoặc tắc. Chính vì vậy việc kiểm soát huyết áp rất quan trọng để giảm nguy cơ tai biến. Khi huyết áp giảm được 10mmHg có thể giảm khoảng 30-40% nguy cơ tai biến mạch máu não.
- Người nghiện thuốc lá: Đây là đối tượng có nguy cơ bị tai biến cao gấp 3 lần người không hút thuốc. Các chất trong thuốc lá khiến huyết áp tăng, tình trạng xơ vữa tăng, nguy cơ hình thành cục máu đông tăng.
- Đái tháo đường: Người bị đái tháo đường có nguy cơ bị tai biến gấp 4 lần người bình thường.
Thay đổi những nguy cơ dẫn đến tai biến
Tuy có nhiều yếu tố dẫn đến tai biến mạch máu não, nhưng đa phần là những yếu tố có thể thay đổi các thói quen sinh hoạt hằng ngày và điều trị tốt các bệnh lý khác như tăng huyết áp, đái tháo đường... có thể giảm tỉ lệ dẫn đến tai biến mạch máu não. Điều trị tốt các bệnh mắc phải trên, chú ý kiểm tra bệnh định kỳ kết hợp với chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp.