Sau tai biến mạch máu não, nhiều người gặp phải di chứng suy giảm trí nhớ, thậm chí mất trí nhớ gây ra nhiều khó khăn cho việc sinh hoạt hàng ngày. Việc gặp vấn đề về trí nhớ cũng khiến người bệnh khó tìm lại được niềm vui sống mà dễ rơi vào trầm cảm. Vậy cách khắc phục thế nào?
Tai biến mạch máu não là gì?
Cơn tai biến có thể xảy đến bất ngờ và gây ra những ảnh hưởng trầm trọng về sức khỏe. Vì vậy, mỗi người hãy nắm chắc thông tin tai biến mạch máu não bệnh học để có hướng phòng ngừa và điều trị kịp thời. Tai biến mạch máu não (còn gọi đột quỵ não) là tình trạng mô não bị tổn thương do quá trình cung cấp máu và oxy lên não bị gián đoạn bởi cục máu đông hoặc xuất huyết não. Những tế bào chết đi và các mô não bị tổn thương gây ra nhiều di chứng như méo miệng, liệt mặt, liệt chân tay, liệt nửa người, mất khả năng ngôn ngữ, suy giảm trí nhớ…
Cách khắc phục di chứng suy giảm trí nhớ sau tai biến mạch máu não
Cơn tai biến thường xảy ra ở người già nên quá trình phục hồi và cải thiện các di chứng sẽ cần nhiều thời gian, lòng kiên trì của bệnh nhân và cả người nhà trong việc chăm sóc. Hãy cho người bệnh thực hành các bài tập giúp cải thiện, phục hồi trí nhớ. Nếu có điều kiện, hãy nhờ đến sự hỗ trợ của chuyên gia. Sau đây là một số bài tập nên áp dụng cho người bị suy giảm trí nhớ sau tai biến mạch máu não:
Kích thích não: Hãy hướng dẫn người bị tai biến cùng thực hành những trò chơi như chơi cờ để dần cải thiện lại chức năng của não bộ.
Bài tập kỹ năng ngôn ngữ: Hỗ trợ người bị tai biến trong việc tạo ra các cuộc hội thoại, khuyến khích họ nói ra những suy nghĩ bằng lời nói. Khi kỹ năng ngôn ngữ được cải thiện cũng sẽ giúp cho trí nhớ sớm được phục hồi.
Tăng cường vận động: Những vận động nhỏ như xoay khớp cổ tay, cổ chân, vung tay chân trên giường hoặc đi lại quanh phòng sẽ giúp cơ thể người bị tai biến hoạt bát hơn, từ đó nuôi dưỡng khả năng phục hồi trí nhớ.
Viết lời ghi chú dán khắp nơi trong nhà: Lời ghi chú nhắc việc có thể giúp người bị tai biến nhớ việc đã làm và còn việc gì chưa thực hiện. Bạn cũng có thể sử dụng phần nhắc việc trên điện thoại để nhắc nhở về các cuộc hẹn và khi nào cần uống thuốc. Nếu tất cả những việc này được tạo thành như một thói quen, nó sẽ giúp bộ não khôi phục lại trí nhớ.
Lên kế hoạch: Hãy lên kế hoạch thực hiện công việc hàng ngày vào những thời điểm cụ thể, ví dụ, tập thể dục buổi sáng, uống sữa trước khi đi ngủ vào ban đêm,...
Lặp lại và luyện tập: Lặp lại một số câu nói hoặc những việc cần làm nhiều lần sẽ giúp bạn dễ ghi nhớ hơn.
Tham gia câu lạc bộ: Tham gia các câu lạc bộ thể dục, khiêu vũ nhẹ nhàng,… vừa tốt cho sức khỏe, hệ vận động, lại mang đến niềm vui và khả năng cải thiện trí nhớ cho người bị tai biến.
Chế độ ăn uống: Nhiều người thắc mắc bệnh tai biến mạch máu não kiêng ăn gì? Một chế độ ăn uống bao gồm nhiều trái cây tươi, rau quả và các loại cá giàu axit béo omega-3 như cá hồi,… sẽ giúp người bị tai biến phục hồi sức khỏe và cải thiện trí nhớ tốt hơn.