Tai biến mạch máu não là tình trạng rối loạn tuần hoàn não cấp tính, có thể gây đột tử hoặc liệt nửa người, méo miệng, rối loạn tâm thần... Để giảm bớt hoặc phục hồi các di chứng và phòng tái phát, khi trở về nhà sau giai đoạn cấp cứu, bệnh nhân vẫn phải được chăm sóc, điều trị theo chế độ đặc biệt.
Trước tiên, về chế độ ăn uống: Với bệnh nhân có thể tự ăn được nên áp dụng chế độ dinh dưỡng đủ chất và cân đối, dùng dạng thức ăn mềm, dễ tiêu như: cháo, súp, sữa, nước hoa quả tươi. Hạn chế sử dụng các chất béo, nhất là mỡ động vật và chất kích thích (rượu, bia, chè đặc, cà phê), giảm lượng muối để tránh nguy cơ tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, là những nguyên nhân gây tai biến mạch máu não.
Người bệnh tai biến mạch máu não có thể không ăn được do liệt cơ hầu họng nên cần nuôi ăn qua ống xông để giúp họ nhận đủ lượng thực phẩm cần thiết trong ngày. Nên ăn ít nhất 5 bữa ăn/ ngày, khoảng cách giữa các bữa ăn từ 2 đến 3 giờ. Nếu người bệnh nôn, đầy bụng thì phải giảm khối lượng bữa ăn. Khi cho ăn uống, nên kê gối sau lưng bệnh nhân để giữ họ ở tư thế nửa nằm, nửa ngồi.
Cần đặc biệt kiên trì chế độ sinh hoạt và tập luyện để phục hồi các chức năng sau tai biến mạch máu não cho người bệnh. Trong trường hợp bệnh nhân chưa tự vận động được, người nhà cần giúp họ thay đổi tư thế 3 giờ một lần để tránh loét da. Mỗi lần lật người, cần xoa rượu, cồn hoặc phấn rôm vào lưng, mông và các vị trí bị tì đè khác.
Đối với trường hợp nhẹ hơn, tùy mức độ di chứng liệt, cần đề ra một kế hoạch cụ thể cho bệnh nhân tập luyện hàng ngày. Lúc đầu tập ở mức độ rất nhẹ, sau đó tăng dần để bệnh nhân có thể thích nghi. Cố gắng cho họ tự làm ở mức tối đa, người nhà chỉ hỗ trợ nếu bệnh nhân không thể tự làm được. Nên duy trì việc tập luyện hàng ngày cả khi các di chứng đã phục hồi. Nên tập cho bệnh nhân ngay sau khi qua cơn nguy kịch vì khả năng phục hồi cao nhất trong thời gian đầu tiên, càng để lâu, càng khó hồi phục.
Ngoài ra có thể kết hợp với châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp để nhanh chóng phục hồi các chi bị liệt cho bệnh nhân. Nên sử dụng cho bệnh nhân các thuốc phòng tai biến mạch máu não và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ tai biến như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu,..có thể gây nên cơn tai biến tái phát. Động viên bệnh nhân, giúp bệnh nhân có quyết tâm luyện tập, và tránh stress, để bệnh nhân nhanh chóng hồi phục.