Phòng ngừa đột quỵ thứ phát như thế nào cho hiệu quả là vấn đề rất nhiều người quan tâm bởi đột quỵ thứ phát có thể ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người bệnh. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ mang đến cho bạn những thông tin hữu ích về đột quỵ thứ phát cũng như cách phòng ngừa đơn giản, hiệu quả. Đừng bỏ lỡ!
Đột quỵ thứ phát là gì?
Đột quỵ (hay tai biến mạch máu não) là tình trạng các tế bào não hoại tử, gây tổn thương mô não do không được cung cấp oxy và chất dinh dưỡng kịp thời. Tình trạng này xảy ra khi mạch máu não bị tắc hoặc vỡ, có thể gây nên những di chứng nghiêm trọng như: Liệt nửa người, méo miệng, mất trí nhớ... thậm chí là tử vong. Cơn đột quỵ đầu tiên được gọi là đột quỵ tiên phát, đột quỵ tái phát các lần sau được gọi là đột quỵ thứ phát
Cơn đột quỵ tiên phát thường là hậu quả của quá trình phát triển các bệnh nền như: Tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu,... và lối sống không lành mạnh với nhiều thói quen xấu: Thức khuya, hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, lười vận động,...
Còn với đột quỵ thứ phát, ngoài lý do không kiểm soát các yếu tố nguy cơ kể trên, bệnh còn có thể xảy ra do không tuân thủ đúng liệu trình điều trị theo hướng dẫn và không tái khám đều đặn để kiểm soát tình trạng bệnh. Theo thống kê, tỷ lệ xảy ra đột quỵ thứ phát chiếm khoảng 20% trong năm đầu tiên và từ 10% đến 50% trong 5 năm tiếp theo, người bệnh có nguy cơ bị tái phát đột quỵ cao nhất trong 3 tháng kể từ khi xảy ra cơn đột quỵ đầu tiên.
Làm gì để ngăn ngừa đột quỵ thứ phát?
Cùng với việc phục hồi chức năng thì phòng ngừa đột quỵ thứ phát chính là nhiệm vụ quan trọng đối với người bị đột quỵ. Từ việc xác định những nguyên nhân gây ra cơn đột quỵ thứ phát như đã nêu trên, các chuyên gia đã đưa ra một số lời khuyên giúp ngăn ngừa tình trạng này như sau:
- Kiểm soát và điều trị triệt để các yếu tố nguy cơ gây ra cơn đột quỵ tiên phát như: Xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, bệnh tim, tiểu đường…
- Uống thuốc theo đơn được kê, tái khám đúng thời hạn, điều chỉnh thuốc cho phù hợp với tình trạng sức khỏe trong từng giai đoạn.
- Xây dựng chế độ ăn đủ chất và cân đối: Người bị đột quỵ nên ăn nhiều rau quả, tránh chất béo, chất kích thích và thực phẩm nhiều dầu mỡ, muối, đường. Nên chế biến thành các món ăn mềm, dễ tiêu như: Cháo, súp, sinh tố,… và chia thành nhiều bữa nhỏ.
- Luyện tập: Sau khi ra viện, người bệnh cần luyện tập vận động tại nhà hoặc ở phòng tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng, cải thiện sức khỏe, qua đó ngăn ngừa đột quỵ thứ phát.
Đặc biệt, người bệnh cần chú ý, khi các triệu chứng của đột quỵ xuất hiện trở lại, dù nặng hay nhẹ cũng cần được tới cơ sở y tế ngay lập tức. Việc chần chừ, chậm trễ cấp cứu có thể khiến người bệnh đột quỵ rơi vào nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao và các di chứng nặng nề hơn lần đầu rất nhiều.
Xem thêm: Ăn gì phòng ngừa đột quỵ tốt? – 10 thực phẩm “quý hơn vàng” mà bạn không thể bỏ qua!