Tai biến mạch máu não xảy ra sẽ đe dọa tính mạng và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người bệnh. Vậy có những cách phòng ngừa tai biến mạch máu não nào? Trong sinh hoạt hàng ngày, chúng ta cần lưu ý gì để ngăn chặn nguy cơ tai biến? Để được giải đáp những thắc mắc này, hãy cùng theo dõi nội dung bài viết sau!
Tai biến mạch máu não là gì?
Tai biến mạch máu não (hay đột quỵ não) là bệnh xảy ra khi việc cung cấp máu lên một phần bộ não đột ngột ngừng trệ. Tai biến mạch mạch máu não là căn bệnh đứng hàng thứ ba về mức độ nguy hiểm. Tuy nhiên, số bệnh nhân mắc tai biến mạch máu não hiện đang ngày càng gia tăng.
Triệu chứng của tai biến mạch máu não
Khi cơn tai biến mạch máu não khởi phát, não bộ sẽ bị tổn thương. Nếu không xử lý kịp thời, người bệnh có thể bị đe dọa tính mạng. Vì vậy, khi người thân có những triệu chứng dưới đây thì cần phải chú ý và nhanh chóng đưa họ đến cơ sở y tế gần nhất:
- Đột ngột tê cứng ở mặt, tay hoặc chân – đặc biệt là tê cứng nửa người.
- Đột ngột đau đầu dữ dội, mắt nhìn nhìn không rõ.
- Đột ngột không cử động được chân tay hoặc mất phối hợp điều khiển chân tay.
- Đột ngột không thể nói được hoặc không hiểu điều người khác nói.
- Đột ngột đau, xệ mặt hoặc chân tay buông thõng.
- Đột ngột cảm thấy buồn nôn hoặc bị nấc.
- Đột ngột cảm thấy mệt mỏi, tức ngực, khó thở, tim đập nhanh bất thường…
Cách phòng ngừa tai biến mạch máu não
Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến tai biến mạch máu não, bao gồm cả những yếu tố có thể kiểm soát được và những yếu tố không kiểm soát được. Bạn chỉ cần thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt, nguy cơ tai biến mạch máu não sẽ giảm đi đáng kể. Cụ thể, bạn cần:
Thường xuyên kiểm soát các bệnh lý nguy cơ
Có rất nhiều bệnh lý nguy cơ của tai biến mạch máu não. Tiêu biểu nhất là bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch…
Đối với bệnh tăng huyết áp, đây là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tai biến mạch máu não, do vậy, người bệnh cần kiểm soát huyết áp thật tốt, luôn duy trì huyết áp đạt mức ổn định là 120/80mmHg. Đặc biệt, người mắc bệnh huyết áp cần đo huyết áp 2 lần/ngày vào mỗi buổi sáng sau khi thức dậy khoảng 1 tiếng và sau khi ăn tối khoảng 2 giờ để kịp thời phát hiện những thay đổi bất thường trong cơ thể.
Đối với các bệnh mạn tính khác như tiểu đường, rối loạn lipid máu… thì cần tuân thủ dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ nhằm ngăn chặn biến chứng tai biến mạch máu não.
Quan trọng nhất, bạn vẫn cần định kỳ thăm khám sức khỏe để kiểm sớm phát hiện những bệnh lý nguy hiểm và có phương pháp điều trị phù hợp.
Chế độ ăn uống điều độ, hợp lý
Trong thực đơn hàng ngày, bạn nên tránh các món ăn nhiều mặn, đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp bởi chúng chứa nhiều chất béo bão hòa và có hàm lượng muối cao. Nhất là đối với những người mắc bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, khi muối và chất béo bão hòa đi vào cơ thể quá nhiều, chúng sẽ không thể phân hủy hết, khiến cho bệnh trầm trọng hơn và làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não.
Bên cạnh đó, bạn nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, sử dụng chất béo từ thực vật để giúp điều tiết lượng cholesterol trong máu. Đặc biệt, không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu, bia và các chất kích thích.
Tập thể dục đều đặn hàng ngày, hạn chế căng thẳng
Mỗi ngày, bạn nên đi bộ 20-30 phút hoặc nếu có thể, hãy bơi lội 3-4 lần mỗi tuần. Việc duy trì luyện tập thường xuyên sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, từ đó phòng chống được những bệnh lý về tim mạch, huyết áp, giảm nguy cơ tai biến mạch máu não. Tuy nhiên, bạn cần tránh vận động thể lực quá mức bởi việc luyện tập nặng có thể khiến cơ thể đau đớn, mệt mỏi và làm tăng huyết áp.
Ngoài ra, bạn nên kiểm soát tốt các yếu tố trong môi trường sống để tránh căng thẳng thần kinh. Hãy tự dành cho mình những phút giây nghỉ ngơi, thư giãn để não bộ được giải phóng năng lượng.
Một điều cần lưu ý nữa là trong điều kiện thời tiết thay đổi thất thường như những năm gần đây, bạn cần cẩn thận giữ gìn sức khỏe khi thời tiết chuyển lạnh vào mùa đông hoặc khi áp suất không khí lên cao vào mùa hè, tránh tắm khuya hoặc ra nơi gió lùa ngay sau khi tắm.
>>>Xem thêm: Dấu hiệu tai biến ở người già là gì?
Một số vị thuốc giúp phòng ngừa tai biến mạch máu não
Trong dân gian có nhiều loại thực vật vừa là món ăn ngon miệng, vừa là những vị thuốc quý giúp phòng tránh bệnh tật. Đối với tai biến mạch máu não cũng vậy, bạn có thể tham khảo một số nguyên liệu sau đây:
- Gừng: Không chỉ giúp giải cảm, giảm đau, gừng còn có tác dụng hỗ trợ giảm nồng độ cholesterol trong máu, ngăn ngừa việc hình thành cục máu đông, từ đó giảm nguy cơ tai biến mạch máu não.
- Tỏi: Tỏi được xem là chất kháng sinh tự nhiên giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Bên cạnh đó, ăn tỏi còn là cách phòng ngừa tai biến mạch máu do khả năng làm giảm lượng cholesterol, huyết áp, tăng tuần hoàn máu và chống đông máu của vị thuốc này.
- Hòe hoa: Hòe hoa có tác dụng bảo vệ thành mạch, ngăn ngừa nguy cơ vỡ mạch máu não, chính vì vậy, hòe hoa đặc biệt tốt cho người bị cao huyết áp.
- Bạch quả: Bạch quả cũng có khả năng ngăn ngừa các cục máu đông và tăng lưu lượng máu đến não.
- Đậu tương lên men: Trong đậu tương có rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể, bao gồm chất đạm, chất bột đường, chất béo, chất xơ và một số vitamin thiết yếu. Đậu tương lên men là món ăn truyền thống của người dân Nhật Bản, được gọi là natto, có tác dụng tăng cường tuần hoàn và lưu thông máu, giúp phòng ngừa tai biến mạch máu não hiệu quả.
>>>Xem thêm: Điều trị di chứng tai biến mạch máu não như thế nào cho hiệu quả?