Tai biến mạch máu não là bệnh cấp tính do nhồi máu não hoặc chảy máu não gây ra. Đây là căn bệnh xảy ra đột ngột, thường gặp nhiều ở người cao tuổi. Di chứng của tai biến mạch máu não để lại rất nặng nề, là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Tai biến mạch máu não là gì?

Tai biến mạch máu não (hay còn gọi là đột quỵ) xảy ra thường ở những người có tiền sử bệnh lý: xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tắc động mạch não… hay gặp ở những bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, suy tim nặng, bệnh van tim... và cũng thường liên quan đến các bệnh: tiểu đường, hút thuốc lá, thừa cân, lười vận động và thường xuyên bị stress nặng.


Tai biến mạch máu não có 2 thể: xuất huyết não và nhồi máu não với triệu chứng điển hình:

- Xuất huyết não: thường xảy ra đột ngột, các triệu chứng thể hiện khá rõ, phần lớn người bệnh có biểu hiện hôn mê, nguy cơ tử vong rất cao.

- Nhồi máu não phát bệnh từ từ hơn so với xuất huyết não, người bệnh thường bị liệt nửa người, nói ngọng, nói khó, khả năng dễ hồi phục hơn.

- Tỉ lệ tử vong do đột quỵ gây ra tại Việt Nam mỗi năm khoảng 11 nghìn người và khoảng 20 nghìn người mắc mới, nam giới có tỉ lệ mắc bệnh cao gấp 4 lần nữ giới nhưng nguy cơ tử vong ở nữ giới thường cao hơn nam giới.

Các phương pháp phòng ngừa tai biến mạch máu não

Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ, do vậy việc quan trọng là phát hiện và điều trị sớm. Tăng huyết áp là căn bệnh có diễn tiến âm thầm (được gọi là căn bệnh giết người thầm lặng). Nhiều trường hợp chỉ phát hiện ra khi huyết áp lên quá cao hoặc có những biến chứng gây tai biến.

Liệu pháp thay đổi lối sống (thực hiện chế độ ăn kiêng và hoạt động thể lực) là biện pháp quan trọng làm giảm nguy cơ bị xơ vữa động mạch nói chung và tai biến mạch máu não nói riêng. Theo một nghiên cứu ở Mỹ nếu đi bộ 2 giờ mỗi tuần có thể giảm nguy cơ tai biến tới 30%, đi bộ 5 ngày một tuần có thể giảm nguy cơ đột quỵ đến 40%.

Chế độ dinh dưỡng: Nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, hạn chế ăn quá nhiều chất béo và các thực phẩm giàu calo, liệu pháp dinh dưỡng còn nhằm làm giảm lượng lipid máu, giảm huyết áp và giảm đường trong máu nếu bệnh nhân bị đái tháo đường.

Tăng hoạt động thể lực: Sẽ làm cải thiện tình trạng tim mạch, giảm mỡ máu, béo phì và hạ huyết áp… Tạo cuộc sống tinh thần vui tươi, tránh muộn phiền, giảm stress…

Thực phẩm nên dùng: Khoai lang, nho khô, chuối và nước sốt cà chua. Không cần phải dùng tất cả các loại thực phẩm trên cùng một lúc nhưng mỗi loại đều chứa kali và một chế độ ăn nhiều chất dinh dưỡng này có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ 20%. Kali còn tìm thấy trong cá, gia cầm và các sản phẩm làm từ sữa. Sử dụng đạm thực vật thay thế lượng đạm động vật, với người trưởng thành tỉ lệ đạm thực vật nên ăn gấp 3 lần lượng đạm động vật.