Béo phì ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Thừa cân, béo phì khiến cho mọi người gặp khó khăn trong việc chọn trang phục, đi lại, vui chơi giải trí; đặc biệt là có nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm như tai biến mạch máu não (hay còn gọi đột quỵ não). Vậy cách phòng tránh là gì? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Tại sao béo phì lại dẫn tới tai biến mạch máu não?
Béo phì là thuật ngữ được sử dụng để mô tả mức độ dư thừa được xem là không lành mạnh đối với kích thước cơ thể bạn. Để xác định xem bạn thừa cân hay béo phì thì cần tìm ra chỉ số khối cơ thể (BMI), bằng cách chia khối lượng của bạn theo kilogram cho bình phương chiều cao tính bằng mét (kg/m2). Đối với người lớn: Chỉ số BMI trong khoảng từ 25 đến 29,9 được coi là thừa cân; chỉ số BMI từ 30 trở lên được coi là béo phì.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cũng giống như hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư phổi, thừa cân sẽ làm tăng nguy cơ bị tai biến mạch máu não. Do có chất béo dư thừa trong cơ thể, tình trạng viêm có thể xảy ra, gây ra tắc nghẽn mạch máu - nguyên nhân chính gây ra cơn tai biến.
Khi khảo sát về việc tăng thêm trọng lượng, các nhà nghiên cứu nhận thấy có sự tương quan đáng kể giữa béo phì và thiếu máu thoáng qua. Thiếu máu thoáng qua còn được gọi là những tai biến chốc lát. Tuy nhiên, không nên xem nhẹ bởi đó là những dấu hiệu cảnh báo sớm về một cơn tai biến nghiêm trọng.
Bị béo phì (thậm chí chỉ thừa cân) khiến mỗi người có nguy cơ cao bị tai biến vì khả năng thiếu máu cục bộ cao hơn. Cùng với đó, người bị thừa cân, béo phì còn có nguy cơ tàn tật vĩnh viễn và giảm tuổi thọ.
Cơn tai biến mạch máu não xảy ra khi các mạch máu cung cấp đến não bị chặn. Những người thừa cân thường có chỉ số huyết áp cao. Mặc dù mối liên quan về việc thừa cân, béo phì có trực tiếp là nguy cơ gây ra tai biến mạch máu não hay không vẫn chưa được giải đáp chính xác. Tuy nhiên, mỗi người nên chủ động phòng ngừa nguy cơ tai biến bằng cách duy trì cân nặng thích hợp.
Cuộc sống trở nên bận rộn và các ưu tiên khác bắt đầu làm lu mờ ưu tiên quan trọng nhất của tất cả chúng ta: Đó là sức khỏe. Bạn nên sớm nhận ra rằng, giảm cân, chế độ ăn uống lành mạnh là những yếu tố quan trọng để giảm thiểu khả năng xảy ra tai biến. Trên tất cả, hãy tin tưởng rằng bạn hoặc người thân có sức mạnh để tạo ra một thay đổi tích cực, việc quản lý béo phì và phòng ngừa đột quỵ có thể được thực hiện đồng thời.
Một chế độ ăn uống tốt hơn sẽ làm giảm nguy cơ đột quỵ gần 19%. Các chuyên gia y tế khuyên bạn nên ăn nhiều chất xơ, rau đậu và thịt nạc hơn thịt đỏ, thực phẩm béo và thức ăn có đường để cải thiện sức khỏe tim mạch. WHO công nhận bệnh béo phì tàn phá sức khỏe tim mạch của hàng triệu người. Theo con số thống kê chưa chính thức, thế giới có khoảng 2,1 tỷ người béo phì. Béo phì dễ làm phát sinh ra các chứng bệnh khác như tiểu đường, thậm chí một số loại ung thư.
Những người ăn nhiều thức ăn nhanh và đồ ngọt dễ có nguy cơ bị béo phì, vì vậy cần xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh và khuyến khích tập thể dục. Dưới đây là những gì bạn có thể làm để giảm cân hoặc tránh bị thừa cân hoặc béo phì:
- Ăn nhiều trái cây, rau, quả hạch và ngũ cốc nguyên hạt.
- Tập thể dục, thậm chí vừa phải, ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Giảm lượng tiêu thụ thực phẩm béo và đường.
- Sử dụng các loại dầu thực vật hơn là chất béo động vật.
- Hãy đi bộ nhiều hơn, ăn ít hơn và làm những gì bạn cần làm để duy trì chỉ số BMI khỏe mạnh.