Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não (TBMMN) là tình trạng một phần não bị hư hại đột ngột do mất máu nuôi dưỡng do tắc hoặc vỡ mạch máu não. Khi thiếu máu lên não, các tế bào não sẽ ngưng hoạt động và sẽ chết đi trong vài phút. Hậu quả là các vùng cơ thể do phần não đó điều khiển sẽ ngưng hoạt động, dẫn tới yếu liệt, tê mất cảm giác nửa người, thậm chí hôn mê… Do vậy, chăm sóc sau đột quỵ là việc làm vô cùng quan trọng giúp người bệnh có thể bình phục và phòng tránh tái phát.

Nguyên nhân gây đột quỵ

Mạch máu não bị tắc do mảng xơ mỡ đóng ở thành mạch dày lên dần, làm hẹp lòng mạch; Xuất hiện cục máu đông di chuyển từ tim do tim bị bệnh loạn nhịp hoặc bệnh hẹp - hở van tim khiến máu ứ lại, đóng thành cục máu đông trong tim, sau đó chảy lên não làm kẹt lại gây tắc mạch máu não; Xuất huyết não (mạch máu bị vỡ làm chảy máu, chèn ép não bộ) và xuất huyết khoang dưới nhện (mạch máu bị phình rồi vỡ ra làm máu chảy vào khoang trống bao quanh não) cũng là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.

Người cao tuổi, người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, vữa xơ động mạch, rối loạn lipid máu, các bệnh mạch vành, van tim, loạn nhịp tim, hút thuốc lá, béo phì-thừa cân, lười vận động… là những đối tượng dễ bị đột quỵ.

Nếu thấy người bệnh có dấu hiệu ngã thì cần đỡ họ ngay tránh để họ bị va đập, sau đó để bệnh nhân nằm nghiêng qua một bên, nếu có nôn thì móc hết đờm dãi khai thông đường thở. Sau đó đưa ngay đến cơ sở y tế càng nhanh càng tốt, không nên xoa dầu cao hay tự ý cho bệnh nhân dùng thuốc.

Giúp bệnh nhân phục hồi bằng chế độ ăn và tập luyện hợp lý

Cần cho bệnh nhân ăn đủ chất nhưng với một lượng thích hợp. Nên chọn thực phẩm ít cholesterol và nhiều đạm thực vật (đậu đỗ, đậu tương, đậu phụ) và đạm động vật (cá biển, cá đồng, sữa, thịt nạc...). Lượng protein cần giữ ở mức 0,8g/kg cân nặng/ngày. Chất béo nên giữ ở mức 25-30g/ngày. Bổ sung lượng vitamin và chất khoáng có trong các loại hoa quả chín, rau củ, sữa. Bổ sung axit folic ít nhất 300mcg mỗi ngày sẽ làm giảm 20% nguy cơ đột quỵ và 13% nguy cơ bệnh tim bằng cách ăn các loại quả có vị chua, rau lá xanh, các loại đậu, gạo...

 Thức ăn phải dễ tiêu hóa, hấp thu và ở dạng mềm, lỏng như súp, cháo, sữa. Cần phân bố đều 3-4 bữa/ngày, không nên ăn quá no. Tránh dùng thức ăn lên men, gây kích thích như gia vị cay, nóng, rượu, chè, cà phê…; Giảm muối và nước. Tránh các loại thức ăn chế biến sẵn nhiều muối như dưa, cà, hành muối, bánh mỳ, thịt hun khói… Tránh tăng cân.

Cần đổi tư thế nằm của bệnh nhân mỗi giờ để chống loét. Xoa bóp bắp cơ, vận động các khớp tay và chân cho bệnh nhân để máu lưu thông và tránh cứng khớp, teo cơ. Tập vận động để giúp hồi phục nhanh. Sau khi xuất viện, tập vận động tại nhà hoặc có thầy thuốc chuyên khoa vật lý trị liệu hướng dẫn. Cố gắng cho bệnh nhân tự làm các hoạt động sinh hoạt hàng ngày với sự trợ giúp của thân nhân để có thể hồi phục sớm. Và đặc biệt, bệnh nhân cần uống thuốc đầy đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ và tái khám đúng hẹn.