Tai biến mạch máu não (TBMMN) là bệnh gây tử vong đứng thứ ba sau ung thư và bệnh tim mạch và là thủ phạm gây tàn phế hàng đầu trong các bệnh lý thần kinh. Sau khi đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần ở giai đoạn cấp, bệnh nhân lại sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ khi “bán thân bất toại” trên giường bệnh.

Nguy cơ nhiễm khuẩn

Nhiễm trùng phổi: Nhiễm trùng phổi là nguy cơ đầu tiên khi bệnh nhân phải nằm liệt giường. Ở những bệnh nhân TBMMN thường có di chứng hôn mê, nuốt khó, sặc thức ăn, ho khạc kém nên dẫn tới ứ đọng đờm rãi, ứ đọng thức ăn ở hầu họng. Các vi khuẩn sinh sôi nảy nở nhanh chóng trong những chất ứ đọng này tràn xuống phổi gây viêm phổi. Khi nằm lâu, các cơ hô hấp (cơ liên sườn, cơ hoành…) cũng bị suy giảm chức năng, thông khí và tưới máu nhiều vùng của phổi bị giảm đi, chức năng của các vi nhung mao của lớp niêm mạc đường hô hấp bị giảm hoặc mất, vì vậy, các dịch tiết trong phế nang và tiểu phế quản không được đẩy ra ngoài dẫn đến suy giảm chức năng, xẹp và viêm phổi.

- Mở khí quản vĩnh viễn ở một số bệnh nhân TBMMN tuy có dễ dàng hơn trong việc chăm sóc bệnh nhân nhưng lại khiến cho không khí “đi tắt” không qua vùng mũi họng nên không được sưởi ấm, làm sạch và làm ẩm đầy đủ. Không khí khô, bẩn và lạnh đương nhiên sẽ làm phổi dễ bị viêm hơn. Viêm phổi ở bệnh nhân nằm lâu, suy kiệt nặng nhiều khi không rõ ràng với các triệu chứng như sốt không cao, ho khạc đờm vàng, đặc hoặc thở khò khè ứ đọng hoặc có biểu hiện của suy hô hấp.

Viêm hệ sinh dục - tiết niệu: Hệ sinh dục - tiết niệu cũng là một “địa chỉ” thường xuyên bị viêm ở các bệnh nhân nằm liệt giường do TBMMN. Nguyên nhân là do đặt sông tiểu, chụp tiểu hoặc đóng bỉm quá lâu; tổn thương niệu đạo, bàng quang do đặt sông tiểu không đúng cách hoặc do sông tiểu quá to; chăm sóc, làm vệ sinh hệ sinh dục tiết niệu không đảm bảo; do rối loạn chức năng đại - tiểu tiện ở người già, người bị tổn thương thần kinh trung ương; ứ đọng nước tiểu ở bệnh nhân có u xơ tiền liệt tuyến, ứ đọng nước tiểu do nhu động của bàng quang, niệu đạo bị suy giảm; rối loạn hoặc mất chức năng cơ thắt bàng quang khiến nước tiểu rò rỉ liên tục ra ngoài. Tất cả những điều này là một điều kiện “không thể thuận lợi hơn” cho vi khuẩn xâm nhập và gây viêm hệ sinh dục - tiết niệu. Các vị trí bị viêm thường là niệu đạo, bàng quang, niệu quản và cao hơn là viêm thận - bể thận.

Viêm mũi xoang: Nhiễm khuẩn hệ thống mũi xoang cũng hay gặp ở bệnh nhân nằm lâu do TBMMN. Nguyên nhân do ứ đọng dịch tiết và thức ăn; do vệ sinh chăm sóc vùng này tương đối khó; do bệnh nhân có thể bị viêm xoang do đặt ống nội khí quản (trong quá trình hồi sức tích cực); do đặt và lưu sông dạ dày nuôi dưỡng đường mũi; do các tổn thương khi hút đờm áp lực quá âm hoặc xây sát khi đặt ống sông dạ dày, đặt ống nội khí quản đường mũi. Các biểu hiện của viêm nhiễm vùng mũi xoang là sốt, chảy dịch, chảy mủ qua miệng hoặc mũi. Viêm nhiễm khu vực này thường không rõ ràng và khó chẩn đoán.

Nhiễm trùng ngoài da: Nhiễm trùng ngoài da có liên quan nhiều đến loét mục do ở các khu vực bị tỳ đè nhiều như hai bả vai, vùng cùng cụt, hai gót chân… Các viêm nhiễm này có thể lan rộng hoặc sâu xuống dưới lớp cơ và phối hợp khiến cho các mảng loét mục ngày càng tiến triển nhanh hơn. Vi khuẩn hay gặp là tụ cầu vàng. Tưới máu kém ở khu vực bị loét do tỳ đè làm nhiễm trùng lan nhanh và rất khó điều trị.

Ngoài ra, một số các nhiễm trùng khác cũng có thể xảy ra ở bệnh nhân bị TBMMN do nằm lâu như nhiễm khuẩn răng miệng; viêm kết mạc; viêm tai giữa; viêm khớp, viêm bao hoạt dịch… nhưng với tỷ lệ ít hơn.

Loét mục

Loét mục là loại loét do nằm lâu, những chỗ cơ thể bị tì đè liên tục sẽ bị thiếu máu nuôi dưỡng. Do đó phần da thịt này sẽ bị hoại tử, ban đầu là vô khuẩn, sau đó sẽ có bội nhiễm thêm khiến cho ổ loét ngày càng lan rộng và sâu, có trường hợp loét trơ tới tận xương. Loét mục hay gặp tại những vị trí nơi cơ thể tiếp xúc liên tục với giường, đệm khi nằm như hai gót chân, vùng cùng cụt, bả vai, phần đỉnh chẩm. Ở những vị trí này, lớp cơ dưới da rất mỏng, mạch máu nghèo nàn nên rất dễ bị loét khi tì đè.

Thông thường, tổn thương loét xuất hiện sau khoảng 3 - 4 ngày nằm liên tục mà không được thay đổi tư thế, cá biệt có trường hợp chỉ sau 2 ngày nếu trời nóng, độ ẩm cao và ở người béo phì. Ban đầu loét chỉ biểu hiện bằng vùng da bị nề đỏ, rộp mụn nước, thâm tím do thiếu nuôi dưỡng sau đó vùng da tổn thương sẽ bị trợt và loét tiến triển sâu xuống lớp cơ. Lớp cơ bị hỏng có màu nhợt nhạt, cắt lọc không thấy chảy máu mà chỉ rỉ chất dịch viêm màu hồng nhạt, mùi tanh hôi. Nhiều khi loét sâu tận xương và thành hầm dưới da mặc dù nhìn lớp da bên ngoài vẫn tương đối bình thường. Dự phòng loét mục bằng cách lật trở, xoa bóp và cho bệnh nhân vận động hàng ngày. Nuôi dưỡng đảm bảo lượng calo cần thiết, cho thuốc chống đông máu như heparin phân tử lượng thấp cũng giúp mạch máu lưu thông, đảm bảo nuôi dưỡng khu vực bị loét mục.

Bệnh cơ - xương - khớp

Các tổn thương của hệ cơ - xương - khớp do nằm lâu ở bệnh nhân TBMMN bao gồm teo cơ, cứng khớp do không vận động, liệt cứng (khiến cho bệnh nhân luôn nằm co quắp chân tay) và loãng xương. Đây là vấn đề gặp ở hầu hết các bệnh nhân TBMMN phải nằm liệt giường. Vì vậy, dự phòng teo cơ cứng khớp và các tổn thương khác phải được tiến hành ngay từ rất sớm, thậm chí có phương pháp cho tập vận động sớm ngay từ 48h sau khi bị TBMMN. Các bài tập vận động, các biện pháp vật lý trị liệu phối hợp với châm cứu, bấm huyệt có tác dụng rất tốt trong dự phòng và điều trị các tổn thương cơ - xương - khớp sau TBMMN. Một chế độ ăn đủ lượng canxi cũng góp phần chống loãng xương do nằm lâu.

Huyết khối tĩnh mạch chi dưới

Nguy cơ huyết khối tĩnh mạch (TM) chi dưới tăng rất cao ở người nằm bất động lâu. Khi huyết khối xuất hiện sẽ gây nhiễm trùng tại chỗ hoặc toàn thân, cục huyết khối di chuyển lên phía tim sẽ có thể là nguyên nhân làm tắc mạch phổi, suy hô hấp và tử vong. Ở người TBMMN phải nằm liệt giường có nhiều yếu tố thuận lợi cho việc hình thành huyết khối TM như hiện tượng cô đặc máu do mất nước; ứ trệ lưu thông của hệ TM; tăng hoạt hóa một số yếu tố đông máu, dãn TM chi dưới ở người già, nhiễm khuẩn…. Dự phòng huyết khối TM chi dưới gồm các biện pháp như tăng cường vận động, bù đủ nước cho bệnh nhân, dùng thuốc chống đông như heparin phân tử lượng thấp, mang tất chun nếu có suy TM chi dưới và đặt lưới TM chủ bụng để ngăn huyết khối di chuyển lên gây tắc mạch phổi.

Tóm lại, trước một bệnh nhân bị TBMMN phải nằm liệt giường, các biện pháp dự phòng các biến chứng phải được tiến hành từ rất sớm và đúng phương pháp. Nếu không, dù có cứu được bệnh nhân qua giai đoạn cấp thì bệnh nhân vẫn có thể tử vong sau đó vì các biến chứng như đã nêu ở trên hoặc “tồn tại” trên giường với chất lượng cuộc sống rất thấp.