Tai biến mạch máu não gồm 2 thể: nhồi máu não (do tắc mạch não) và chảy máu não (do xuất huyết não). Bệnh hay gặp ở người lớn tuổi, người mắc các bệnh lý nguy cơ như tăng huyết áp, mỡ máu, tiểu đường, béo phì, xơ vữa động mạch. Đôi khi do các cục huyết khối từ nơi khác gây thuyên tắc động mạch não như huyết khối trong tâm nhĩ, tâm thất hay gặp ở những bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim (rung nhĩ), nhồi máu cơ tim, suy tim nặng, bệnh van tim... Việc phòng ngừa bệnh phụ thuộc vào các yếu tố nguy cơ của mỗi người.
Đối tượng nguy cơ tai biến mạch máu não
Tai biến mạch máu não là tình trạng một phần não bị hư hại đột ngột do mất máu nuôi bởi tắc hoặc vỡ mạch máu não. Khi thiếu máu lên não, các tế bào não sẽ ngưng hoạt động và sẽ chết đi trong vài phút. Hậu quả là các vùng cơ thể do phần não đó điều khiển sẽ ngưng hoạt động, dẫn tới yếu liệt, tê mất cảm giác nửa người, không nói được hoặc hôn mê, thậm chí là tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Nhiều trường hợp được cứu sống nhưng có thể bị tàn phế suốt đời, giảm tuổi thọ và không còn khả năng lao động, khó hòa nhập cuộc sống bình thường.
Tai biến mạch máu não xảy ra do xơ vữa mạch máu làm hẹp lọng mạch, đồng thời làm gia tăng xuất hiện cục máu đông di chuyển từ tim gây nhồi máu cơ tim, tới các chi gây thuyên tác động mạch chi, tới não gây tai biến mạch máu não; Xuất huyết não thường do dị dạng mạch máu, do tăng huyết áp…
Người có nguy cơ mắc tai biến mạch máu não cao là người trên 55 tuổi, người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, vữa xơ động mạch, rối loạn lipid máu, bệnh mạch vành, van tim, loạn nhịp tim, hút thuốc lá, béo phì - thừa cân, lười vận động và bị stress nặng hay thường xuyên.
Vậy tai biến mạch máu não có phòng ngừa được không?
Mặc dù tai biến mạch máu não là bệnh nguy hiểm song hoàn toàn có thể giảm được nguy cơ bệnh nếu biết cách phòng ngừa, đó là:
Liệu pháp thay đổi lối sống (qua chế độ ăn kiêng và hoạt động thể lực) là biện pháp quan trọng làm giảm nguy cơ các bệnh lý tim mạch nói chung và tai biến mạch máu não nói riêng. Liệu pháp thay đổi lối sống bao gồm: Cai thuốc lá; Có chế độ dinh dưỡng giàu vitamin, khoáng chất, hạn chế ăn quá nhiều chất béo và các thực phẩm giàu calo, liệu pháp dinh dưỡng còn nhằm làm giảm lượng lipid máu, giảm huyết áp và giảm đường máu nếu bệnh nhân bị đái tháo đường; Tăng hoạt động thể lực sẽ làm cải thiện tình trạng tim mạch và làm cải thiện các yếu tố nguy cơ tim mạch như rối loạn lipid máu, béo phì và tăng huyết áp.
Phòng ngừa nguy cơ hình thành cục máu đông: Tình trạng tăng đông có thể ảnh hưởng đến bệnh lý tim mạch. Điều trị bằng aspirin trong phòng ngừa tiên phát và thứ phát cho các bệnh nhân bị nhồi máu não, và có thể sử dụng Clopidogrel để phòng ngừa. Tuy nhiên việc sử dụng những thuốc này cần có chỉ định cụ thể của bác si. Ngoài ra bệnh nhân có thể dự phòng hình thành cục máu đông bằng sản phẩm từ thiên nhiên như sản phẩm có chứa enzyme Nattokinase giúp tiêu và phòng ngừa cục máu đông đã hình thành .
Điều trị rối loạn lipid máu: Những người trên 45 tuổi cần được kiểm tra lipid máu định kỳ, bao gồm cholesterol toàn phần, LDL-C, triglycerid và HDL-C sau khi nhịn đói 10 - 12 giờ. Nên kiểm tra định kỳ lượng lipid máu 6 - 12 tháng/lần. Mục tiêu điều trị rối loạn lipid máu là LDL-C dưới 2,6 mmol/l (100mg/dl), triglycerid dưới 2,3mmol/l (200mg/dl) và HDL-C bằng hoặc trên 1,0mmol/l (40mg/dl).
Kiểm soát trị số huyết áp: Tăng huyết áp rất hay gặp ở người có tuổi. Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ bị các biến chứng tim mạch (đột quỵ, bệnh động mạch vành và mạch máu ngoại biên). Mục tiêu điều trị nhằm đạt trị số huyết áp dưới 140/90mmHg. Thay đổi lối sống và dùng thuốc được áp dụng cho các bệnh nhân có huyết áp trên 140/90mmHg.. Nguyên tắc sử dụng thuốc hạ áp là nên bắt đầu với một thuốc liều thấp hoặc phối hợp các nhóm thuốc với liều thấp để vừa đạt được hiệu quả điều trị vừa làm giảm tác dụng phụ.