Phục hồi chức năng sau đột quỵ là một quá trình gian nan. Người bệnh có thể thực hành phục hồi tại bệnh viện hay các cơ sở trị liệu, cũng có người lựa chọn phương pháp luyện tập tại nhà. Vậy khi phục hồi chức năng sau đột quỵ tại nhà cần thực hiện ra sao và nên lưu ý điều gì? Những thông tin trong bài viết dưới đây sẽ giúp bạn trả lời cho thắc mắc này. Đừng bỏ lỡ!
Cách phục hồi chức năng sau đột quỵ tại nhà
Hầu hết mọi bệnh nhân đều cần phục hồi chức năng sau đột quỵ. Thời gian phục hồi của mỗi người là khác nhau. Có những người có thể cải thiện khả năng vận động, suy nghĩ, nói chuyện… ngay trong tuần đầu tiên sau khi cơn đột quỵ khởi phát. Lại có người phải mất vài tháng, vài năm, thậm chí không thể phục hồi. Dưới đây là một số phương pháp bạn có thể áp dụng:
Chức năng nói
Sau đột quỵ, một số người có thể gặp khó khăn khi tìm từ để nói hoặc nói ra nhiều từ trong cùng một lúc. Cũng có người thường xuyên nói ra các câu vô nghĩa khiến người khác không hiểu họ đang muốn truyền đạt điều gì. Tình trạng này được gọi là chứng mất ngôn ngữ.
Theo các chuyên gia, cơn đột quỵ có thể làm hỏng những cơ liên quan đến chức năng nói. Hậu quả là các cơ này di chuyển không đúng cách, khiến người bệnh khó nói. Người bị đột quỵ có thể phải mất đến 2 năm để khôi phục khả năng ngôn ngữ, tuy nhiên không phải ai cũng sẽ hồi phục hoàn toàn.
Để giúp người bị đột quỵ sớm khôi phục chức năng nói, gia đình nên học cách giúp họ giao tiếp bằng cách thường xuyên trò chuyện, trao đổi với người bệnh, đọc sách, kể chuyện cho họ nghe. Người bệnh cũng có thể học thêm những phương pháp giao tiếp mới dưới sự hướng dẫn của các nhà trị liệu ngôn ngữ
Chức năng nhai, nuốt
Vấn đề về nhai và nuốt có thể là do người bệnh thiếu chú ý khi ăn hoặc do cơn đột quỵ làm tổn thương dây thần kinh nhai, nuốt. Một số người phải dùng ống thông vĩnh viễn. Một số người mắc chứng khó ăn với các biểu hiện như:
- Ho, nghẹn trong hoặc sau khi ăn.
- Khi ăn, có tiếng rít phát ra từ cổ họng.
- Thường xuyên hắng giọng sau khi uống nước hoặc nuốt thức ăn.
- Nhai chậm.
- Thức ăn trào ngược trở lại sau khi ăn.
- Nấc, khó chịu ở ngực trong hoặc sau khi nuốt.
Di chứng khó nhai, nuốt cũng có thể được cải thiện dưới sự hướng dẫn của nhà trị liệu ngôn ngữ. Còn trong gia đình, người nhà nên giúp bệnh nhân thay đổi chế độ ăn uống, ưu tiên thực phẩm dạng lỏng hoặc xay nhuyễn chứa nhiều calo, vitamin và khoáng chất để giúp cơ thể khỏe mạnh, tránh sụt cân.
Chức năng cảm nhận
Khả năng suy nghĩ và ghi nhớ của người bệnh có thể thay đổi theo chiều hướng tiêu cực như: Thiếu lý trí, khả năng ghi nhớ kém, thay đổi cảm xúc và hành vi… Một số người thậm chí còn bị trầm cảm sau đột quỵ. Những thay đổi này có thể dẫn đến sự thiếu an toàn trong cuộc sống, đặc biệt khi người bệnh ở một mình.
Để khôi phục chức năng cảm nhận, người bệnh cần tăng cường tham gia các hoạt động xã hội và sử dụng thuốc chống trầm cảm, thường xuyên trò chuyện với bác sĩ hoặc nhà trị liệu để cho họ biết về những cảm xúc của mình.
Chức năng vận động
Sau đột quỵ, cơ bắp ở một bên của cơ thể có thể yếu hơn hoặc liệt hẳn. Vì vậy, người bị đột quỵ sẽ gặp khó khăn khi thực hiện những công việc vốn dĩ rất bình thường trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như mặc quần áo hoặc ăn uống.
Không chỉ có vậy, những thay đổi trong não có thể khiến bệnh nhân đột quỵ đau khắp mình mẩy. Bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau, nhưng trước khi dùng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ xem loại thuốc đó có phù hợp với mình hay không.
Đối với việc điều trị tại nhà, người bệnh cần học lại dần dần cách ăn uống, mặc quần áo, tắm rửa, sử dụng gậy, xe lăn… Hãy nhớ, bạn cần bảo vệ sức mạnh cơ bắp và duy trì hoạt động thể chất nhiều nhất có thể.
Chức năng đại, tiểu tiện
Khi cơn đột quỵ ảnh hưởng đến phần não kiểm soát chức năng hoạt động của bàng quan và ruột, nó có thể khiến 2 cơ quan này hoạt động không trơn tru, dẫn đến tình trạng người bệnh thường đại, tiểu tiện không tự chủ. Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Người bệnh có thể không có nhu cầu đi vệ sinh, nhưng cơ thể vẫn tự động bài tiết chất thải.
- Đi tiểu lỏng, tiêu chảy hoặc táo bón.
- Đại, tiểu tiện thường xuyên.
Với di chứng này, bác sĩ có thể kê toa thuốc để giúp kiểm soát bàng quang. Tuy nhiên, một số người phải đặt ống thông tiểu vĩnh viễn. Vì vậy, khi điều trị tại nhà, người bệnh cần:
- Dọn dẹp sạch sẽ chất bẩn sau khi đại, tiểu tiện không tự chủ.
- Thường xuyên thay đổi vị trí và quen với cách di chuyển trên giường, ghế hoặc xe lăn để có thể nhanh chóng “đối phó” khi có nhu cầu đi vệ sinh.
>>>Xem thêm: Phòng ngừa đột quỵ não ngay lập tức khi có những dấu hiệu này
Một số lưu ý cho người nhà của bệnh nhân đột quỵ
Sau đột quỵ, bệnh nhân rất cần sự quan tâm, chăm sóc của người thân. Nếu bạn có người nhà bị đột quỵ, hãy thu xếp, thay đổi một chút bố cục và đồ đạc trong nhà để giúp bệnh nhân giữ an toàn như: Sắp xếp vị trí giường sao cho dễ dàng tiếp cận với phòng tắm, tránh sử dụng đồ sắc nhọn, bàn ghế nếu có góc cạnh nên được lót vải…
Những người thân trong gia đình cũng cần hết sức thông cảm với sự thay đổi tính cách, tâm lý của người bệnh sau đột quỵ. Sự thay đổi này xảy ra có thể do não bộ bị tổn thương và chính người bệnh cũng không hề mong muốn điều đó.
>>>Xem thêm: Bệnh đột quỵ não và những con số “biết nói”