Cục máu đông là nguyên nhân hàng đầu gây ra các cơn tai biến mạch máu não trầm trọng, dẫn đến nguy cơ tử vong hoặc tàn tật suốt đời ở người bệnh. Vậy cách phòng ngừa và làm tan cục máu đông là gì? Hãy cùng tìm hiểu để có cách bảo vệ sức khỏe tốt nhất cho bạn và người thân.
Nguyên nhân hình thành cục máu đông
Cục máu đông (còn gọi là huyết khối) được hình thành khi cơ thể gặp những vết thương nhỏ như: Đứt tay, trầy xước hoặc khi bạn gặp tai nạn mà cơ thể cần phải cầm máu ngay tức thời. Chức năng cầm máu khi cục máu đông hình thành giúp bạn không bị chảy máu liên tục và ngăn chặn mối nguy hiểm đến tính mạng.
Tuy nhiên, khi cục máu đông hình thành trong lòng mạch máu, nó lại gây ra nhiều mối đe dọa nguy hiểm tới sức khỏe của bạn. Ở những người bị xơ vữa động mạch, do sự lắng đọng của mỡ máu tạo ra các mảng vữa, khiến các mảng vữa vỡ ra, cục máu đông hình thành sẽ làm tắc nghẽn mạch máu. Những nguyên nhân thúc đẩy quá trình tạo ra cục máu đông trong lòng mạch bao gồm: Do bất thường thành mạch, bệnh xơ vữa động mạch, tăng huyết áp,… gây tập kết tiểu cầu, dẫn đến hình thành cục máu đông.
Phân loại huyết khối
Cục máu đông - huyết khối thường có hai loại là huyết khối trắng và huyết khối đỏ, ngoài ra còn có huyết khối hỗn hợp. Trong thực tế, ta có thể gặp huyết khối với cấu trúc ban đầu (phần dính vào thành động mạch) là huyết khối trắng- thành phần chủ yếu là tiểu cầu, còn phần hình thành muộn hơn (phần đuôi, buông tự do trong lòng mạch) được hình thành khi lòng động mạch đã bị hẹp, tốc độ dòng chảy chậm, lại là huyết khối đỏ với thành phần chủ yếu là sợi fibin và hồng cầu.
Huyết khối trắng
Huyết khối trắng được hình thành khi tế bào nội mạc thành mạch bị tổn thương, tiểu cầu dính và ngưng tập kết, tạo ra nút cầm máu với thành phần chủ yếu là tiểu cầu, vì vậy huyết khối có màu trắng. Đây là loại huyết khối thường gặp ở động mạch như động mạch vành, động mạch não, động mạch thận,…
Huyết khối đỏ
Huyết khối đỏ được hình thành chủ yếu khi dòng máu chảy chậm, thành phần chủ yếu là sợi fibrin bao bọc hồng cầu. Đây là loại huyết khối thường gặp ở tĩnh mạch như tĩnh mạch chi dưới,…
Nguy hiểm: Cục máu đông gây tai biến mạch máu não
Cục máu đông là nguyên nhân chủ yếu gây tai biến mạch máu não. Theo thống kê, có tới 80% trường hợp tai biến mạch máu não là ở dạng nhồi máu não (gây ra bởi cục máu đông). Khi cục máu đông gây bít tắc lòng động mạch làm cho quá trình cung cấp máu và oxy nuôi dưỡng não sẽ bị gián đoạn, khiến các tế bào bị chết đi.
Trong não, triệu chứng đầu tiên có thể xuất hiện là cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua. Các triệu chứng của những người bị tai biến bao gồm tình trạng đột ngột nhìn mờ, méo miệng, mặt méo xệch, bất ngờ không nói được hoặc bị nhức đầu, mất khả năng phối hợp.
Nếu các thành mạch máu (nội mô) bị tổn thương sẽ dễ dàng hình thành cục máu đông hơn. Xơ vữa động mạch là một hình thức phổ biến của tổn thương nội mô có thể dẫn đến huyết khối. Các loại tổn thương nội mô khác có thể phát sinh từ chấn thương thể chất, viêm, tăng huyết áp, nhiễm trùng, xạ trị và ở người hút thuốc lá.
Dòng máu rối loạn gây ra tổn thương nội mô. Dòng chảy của máu bị rối loạn khi các mạch máu bị ảnh hưởng bởi xơ vữa động mạch, giãn nở động mạch bất thường (chứng phình động mạch), đau tim hoặc tổn thương van tim.
Những người hút thuốc lá, béo phì, lười tập thể dục đều có nguy cơ bị hình thành cục máu đông, dẫn đến các cơn tai biến mạch máu não bất ngờ. Do vậy, để ngăn ngừa cục máu đông, bạn nên thường xuyên vận động, duy trì cân nặng bình thường và không hút thuốc.
Nếu được chẩn đoán là có huyết khối hoặc tiềm ẩn nguy cơ phát triển cục máu đông thì việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nơi có cục máu đông, kích thước cục máu đông và sức khỏe của bạn. Một số người sẽ cần dùng thuốc chống đông máu hàng ngày hoặc sau khi phẫu thuật.
Nếu cục máu đông nằm trong tĩnh mạch, nó có nguy cơ di chuyển đến các cơ quan khác của cơ thể và gây thuyên tắc, thậm chí gây tử vong. Điều trị tình trạng cục máu đông là sự kết hợp giữa thuốc giảm đau, thuốc chống đông máu. Đôi khi, biện pháp phẫu thuật có thể được yêu cầu thực hiện để loại bỏ cục máu đông.