Đột quỵ não là một bệnh nguy hiểm gây tổn thương tại não, thường khiến người mắc không thể đi lại, không nói được tròn vành rõ chữ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sống độc lập của người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin hữu ích giúp bạn hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của bệnh đột quỵ não đối với tâm lý và cuộc sống của người mắc.

Đột quỵ não ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống người bệnh?

Đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não, xảy ra khi mạch máu não bị tắc nghẽn (thể nhồi máu) hoặc bị vỡ (thể chảy máu), khiến cho 1 phần não bị tổn thương hoặc chết đi do không được nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng. Hậu quả của quá trình này là tổn thương não kéo dài, tàn phế vĩnh viễn hoặc thậm chí tử vong. Tác động của đột quỵ não tới sức khỏe phụ thuộc phần lớn vào vị trí mạch máu bị tắc nghẽn/chảy máu và phần não bị chi phối bởi mạch não đó.

Nếu đột quỵ xảy ra ở vùng não trái thì phần cơ thể phía bên phải sẽ bị ảnh hưởng, gây ra một số hoặc tất cả những biến chứng như:

- Liệt hoặc yếu phần cơ thể bên phải

- Khó khăn về ngôn ngữ: Khó nói, nói ngọng, chậm hiểu lời nói, khó diễn đạt ý

- Vận động chậm và thận trọng

- Mất trí nhớ

Trong trường hợp đột quỵ não xảy ra ở vùng não phải thì phần cơ thể bên trái sẽ bị ảnh hưởng, những biến chứng có thể gặp bao gồm:

- Liệt hoặc yếu nửa người bên trái

- Rối loạn thị giác: Nhìn mờ, nhìn đôi

- Vận động nhanh và vội vàng

- Mất trí nhớ

Nếu đột quỵ xảy ra ở thân não, tùy thuộc vào mức độ nặng của tổn thương, nó có thể ảnh hưởng tới cả 2 bên cơ thể và dẫn đến tình trạng liệt toàn thân. Với trường hợp nặng, người bệnh nhìn chung không thể nói và không thể vận động từ phần cổ trở xuống.

Đột quỵ não xuất hiện đột ngột, diễn biến nhanh và có thể để lại hậu quả lâu dài. Tuy nhiên, nếu được điều trị kịp thời và phù hợp thì những triệu chứng sau khi phục hồi sẽ nhẹ hơn so với dấu hiệu trong giai đoạn cấp. Đột quỵ não không chỉ là một tình trạng cấp tính mà còn gây ra các khiếm khuyết, giới hạn hoạt động. Để xử lý tốt những rối loạn về thể chất, nhận thức và cảm xúc, người bệnh đột quỵ não cần được chăm sóc, phục hồi chức năng một cách toàn diện tại các bệnh viện trong giai đoạn cấp. Cần có sự theo dõi thường xuyên, liên tục; Hỗ trợ người bệnh một cách chủ động trong giai đoạn phục hồi bán cấp và mạn tính.

Quá trình hồi phục bao gồm 4 giai đoạn. Ở mỗi giai đoạn, sẽ có các vấn đề khác nhau về sức khỏe và mục tiêu chăm sóc cho người bệnh.

- Giai đoạn tối cấp (0-24 giờ).

- Giai đoạn phục hồi sớm (24 giờ - 3 tháng).

- Giai đoạn phục hồi muộn (3-6 tháng).

- Phục hồi chức năng trong giai đoạn mạn tính (> 6 tháng).

Đột quỵ não gây ra nhiều thay đổi trên sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên, mức độ và phạm vi ảnh hưởng của đột quỵ não không giống nhau ở mỗi trường hợp mà còn tùy thuộc vào mức độ tổn thương, khả năng hồi phục, giai đoạn bệnh, điều trị y tế được thụ hưởng…

>>>XEM THÊM: Chế độ dinh dưỡng cho người tai biến mạch máu não